

Giun đất là món ăn đậm chất dinh dưỡng đối với các loài gia cầm: lợn, gà, ngan, ngỗng, thậm chí của cả các loài thủy sản như ếch, trê lai, ba ba, cá… Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, nơi nào có giun đất sinh sống, nơi đó cây trồng phát triển ở mức tối đa nhất. Thế nhưng gần đây, vùng đất San Thàng vốn bình yên với những cánh đồng rau xanh mướt, khu vườn cây cối sum suê, trù phú, thì nay nhiều hộ dân ở một số bản đang khai thác giun đất theo kiểu tận diệt.
Chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật bắt giun trên đất vườn rồi vui mừng, hồ hởi khi thùng giun đất đã đầy của một gia đình nông dân khi đang trên đường hỏi thăm nhà Trưởng bản Lò Suối Tủng - Nguyễn Văn Tuế. Không gặp được anh Tuế, trong câu chuyện, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Sinh (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của bản, vợ anh Tuế) chia sẻ: “Việc bắt giun đất xuất hiện từ đầu năm. Lúc đó, có đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Mông ngày nào cũng đi dọc ven đường máy kích nối dây điện với que sắt kích giun chui lên. Thời gian sau có thêm vài hộ trong bản, đến nay đã lên tới vài chục hộ "săn" giun”. Công cụ bắt giun rất đơn giản, chỉ cần 2 que sắt cắm xuống đất, đằng sau là sợi dây điện nối với máy kích, luồng xung điện phát ra, trong chốc lát, giun lớn hay nhỏ đều ngoi lên mặt đất. Từ khi có địa điểm thu mua, ngày nào tôi cũng thấy người qua lại xin cho đánh bắt giun tại vườn - chị Sinh nói.
Qua tìm hiểu phóng viên được biết, không chỉ bản Lò Suối Tủng mà nhiều bản khác như: Xéo Xin Chải hay Phan Lìn, giun đất cũng đang được khai thác theo kiểu tận thu. Mùa mưa giun sinh sôi, phát triển, những ngày qua, hàng tạ giun đã và đang được bán về một đầu mối duy nhất của bản Lò Suối Tủng là nhà anh Đệ - chị Loan.
Gần 12 giờ trưa, giàn sấy giun của nhà anh Đệ - chị Loan (bản Lò Suối Tủng) – đại lý thu mua giun duy nhất trên địa bàn xã San Thàng vẫn đang đợi để đặt vỉ giun sơ chế. Thấy chúng tôi đến, anh Đệ chỉ nói dăm ba câu ngắn gọn, đại loại là: “Làm cho vui thôi”, “Có thu mua gì đâu” hay “Tự đi kích ở các vệ đường về làm… rồi xin phép đi đám cưới. Câu nói của anh khiến chúng tôi thấy mâu thuẫn với thông tin người dân ở Xéo Xin Chải cho biết nhiều người đã mang giun đất đến nhà anh Đệ bán.
Trước đó, cậu con trai lớn nhà anh đi qua buông một câu: “Nhà em mua giun chế biến cho bên y học cổ truyền ấy mà”. Tiếp cận đến phía bên trong của ngôi nhà, chúng tôi cảm nhận mùi tanh của giun đất nồng nặc bốc lên. Quan sát chúng tôi thấy gian nhà sấy giun chất đầy than đỏ. Hai người phụ nữ bịt kín mặt đang ngồi xếp giun vào giá sấy. Lột hết ruột giun xong mẻ nào, 1 trong 2 người phụ nữ lại mang ra góc ao đảo qua dưới nước vài lần vài lần rồi đưa vào cho người còn lại xếp lên giàn sấy. Không biết đơn vị y học cổ truyền nào nhận mua thứ giun này nhưng chỉ nhìn những thao tác rửa giun bằng nước ao đục ngầu và bàn tay xếp giun dính đầy bùn đất, chúng tôi đã rùng mình.
Giun sau khi mổ bụng được nhúng qua nước để đưa lên vỉ sấy.
Thấy chúng tôi chụp ảnh, một người phụ nữ cúi gằm mặt, xua tay nói: “Có gì đâu mà cô chú chụp ảnh, tranh thủ chờ cắt lứa chè tới, chúng tôi bắt mấy con giun bên đường về sấy bán thôi mà”. Qua nhiều lần hỏi chuyện, chúng tôi được biết thêm, gia đình anh Đệ, chị Loan được một người ở tỉnh Yên Bái chỉ cho cách làm, khi chế biến thành phẩm thì gửi xe khách và chuyển đến địa chỉ có sẵn (không cho biết tên) để bán. 1kg giun khô có giá 300.000 đồng. Như đã thống nhất từ trước, tất cả các thành viên trong nhà đều khẳng định, giun khô được đặt hàng để làm thuốc chữa bệnh cho các cơ sở đông y, y học cổ truyền. Còn ở đâu, cho đơn vị nào thì chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời.
Vẫn biết dùng kích điện bắt giun sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như vốn đất màu mỡ, phì nhiêu tại địa phương bao năm nông dân chăm bón, cải tạo nhưng trong các văn bản luật chưa đề xuất mức xử lý đối với hành vi này. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng – Đào Mạnh Sơn xác nhận: “Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ ở 2 bản: Lò Suối Tủng và Xéo Xin Chải kích điện tìm, thu mua giun. Qua nắm thông tin tạm thời từ người dân và trưởng bản, giun sau khi sấy được bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc. Còn nếu như thông tin gia đình anh Đệ chế biến giun bán cho các cơ sở y học cổ truyền thì xã phải được thông qua. Sau khi nắm tình hình, chúng tôi đã cử người xuống điều tra cụ thể sự việc. Nếu bà con kích giun làm thức ăn chăn nuôi gia cầm trong thời điểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan rộng thì xã vẫn chấp nhận được.
Có thể thấy, việc bắt giun trên nhiều diện tích đất nông nghiệp của xã rõ ràng gây tổn hại không nhỏ đối với chất lượng đất. Tuy nhiên, khó ở chỗ, trong Luật Đất đai lại không nói rõ đến việc xử phạt hành vi này. Do vậy, xét theo văn bản pháp luật, việc các hộ dân đang làm không vi phạm pháp luật. Trả lời phóng viên Báo Lai Châu, anh Bùi Hữu Cam – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cũng khẳng định, việc đánh bắt giun chắc chắn sẽ làm cho đất chai cứng, khô cằn gây mất cân bằng cho đất. Cơ quan chuyên môn đã nắm được sự việc, hiện nay đang tiến hành xác định các hộ tham gia đánh bắt giun và động cơ, mục đích là gì. Tuy nhiên việc đánh bắt mới xuất hiện ở diện hẹp nên thành phố vẫn kiểm soát được.
Về thông tin có yếu tố người nước ngoài tham gia tiêu thụ giun sấy khô, anh Cam cho biết cũng không loại trừ sự việc đó nhằm “viện cớ” thu mua qua người dân để gián tiếp phá hoại đất. Nếu thông tin là chính xác, các cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố giao cho lực lượng công an xử lý. Giải pháp trước mắt, thành phố phối hợp với xã gặp gỡ, tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của loài sinh vật này đối với quá trình nuôi dưỡng, cải tạo đất cũng như tác hại của việc đánh bắt, tận diệt giun. Đồng thời, phối hợp với xã nắm tình hình thông tin để làm cơ sở đánh giá tình hình…
Đánh bắt, khai thác giun đã diễn ra ở một số địa phương và hậu quả là ảnh hưởng xấu đến diện tích đất nông nghiệp, cụ thể là năng suất, sản lượng cây trồng. Với một xã thuần nông như San Thàng thì ngăn chặn việc đánh bắt giun càng trở nên cần thiết.
Tin đọc nhiều
Hành trình “số hóa” ở vùng biên

Phát hiện 720kg mì chính thiếu thông tin xuất xứ hàng hóa

Thiếu nước sản xuất ở Chù Lìn

Kỳ 2: Ấm no nhờ có Đảng

Dân tộc Lự ở Tam Đường - Vững bước dưới cờ Đảng

Đuối nước ở trẻ em - Nỗi đau còn đó

Huyện Nậm Nhùn: Tích cực phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại

Tiêm vắc-xin cho vật nuôi: Cách phòng dại hiệu quả








