

Giá phân bón tăng cao
Sau hơn ba tháng cây chè "ngủ" đông, lứa chè đầu tiên vừa được người nông dân trên địa bàn thị xã Lai Châu thu hoạch xong và đây là thời điểm tập trung chăm sóc để chuẩn bị thu hái những lứa chính vụ.
Để giảm chi phí, gia đình chị Nguyễn Thị Thuỷ ở bản Thành Công, xã San Thàng (thị xã Lai Châu) huy động nhân lực trong gia đình tự thu hái chè.
Tuy nhiên, thời điểm này do giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao, nhiều gia đình thu không bù chi nên không mấy mặn mà với vườn chè nhà mình.
Nếu như vụ chè năm trước, người nông dân chỉ phải mua phân bón với giá 600.000 đồng/1 tạ phân đạm, 360.000 đồng/1 tạ phân NPK thì thời điểm này giá phân tại thị xã Lai Châu đã tăng lên 900.000 đồng/1 tạ phân đạm và 470.000 đồng/ 1 tạ phân NPK.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ một đại lý phân bón của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp tại San Thàng cho biết: Hiện toàn xã San Thàng có 230,8ha chè. Từ đầu năm giá phân bón liên tục tăng khiến lượng phân tại cửa hàng của gia đình bán ra cũng chỉ bằng 2/3 so với thời điểm này năm trước.
Giá phân bón tăng từ 30% đến 50%, giá cả các mặt hàng khác phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người nông dân cũng tăng cao, trong khi giá 1kg chè tươi vẫn giữ ở mức 4.000 đông/1kg.
Chúng tôi có mặt tại đồi chè trên địa bàn xã Sàn Thàng vào chiều ngày 26/4, trên các nương chè ở đây chỉ có lác đác vài người nông dân thu hái và chăm sóc. Chị Nguyễn Thị Thủy ở bản Thành Công ngừng tay hái thở dài: Từ ngày làm chè đến nay đã gần 20 năm, chưa năm nào giá phân bón lại tăng cao như năm nay, giá chè búp tươi thấp nên hầu hết người trồng chè ở đầy không muốn chăm sóc, thu hái.
Theo lời chị Thủy, chúng tôi thử làm một phép tính nhẩm. Để đầu tư chăm sóc một 1ha chè trong một năm, người nông dân phải bón khoảng 3 tấn phân NPK và 1 tấn phân đạm chia làm hai lần/vụ. Với thời giá hiện nay, người nông dân phải chi khoảng 23 triệu đồng tiền phân.
Mỗi lứa chè người nông dân phải đi thuê mất khoảng 40 ngày công lao động, với giá 70.000 đồng/ngày công. Như vậy, mỗi lứa chè người nông dân chi phí 2.800.000 đồng tiền thuê lao động thu hái. Đem nhân số tiền trên với 3 lứa trong tháng và 9 tháng thu hoạch trong năm, người nông dân phải chi mất khoảng 75 triệu đồng tiền thuê công hái. Đó là chưa kể nhiều khoản tiền khác phải chi như thuốc trừ sâu, công làm cỏ, công bón phân...
Trong khi đó, với 1ha chè trồng năm 1968 - 1970 như ở xã Sàn Thàng trung bình mỗi lứa thu khoảng 1,2 tấn. Một vụ chè trong năm người nông dân thu khoảng 30 tấn chè búp tươi với giá 4.000 đồng/1kg, người nông dân chỉ thu được 120 triệu đồng một năm.
Các nhà máy ngừng thu mua
Trong khi giá chè búp tươi trên thị trường thấp, người nông dân bỏ công sức, tiền đầu tư để lấy công làm lãi thì hơn một tuần nay các nhà máy trên địa bàn đồng loạt ngừng thu mua với lý do "ít chè, thu mua không đủ để sản xuất vì đây là thời gian chuyển lứa từ chè xuân sang chè chính vụ".
Dù giá phân bán tăng cao nhưng một số nông dân trên địa bàn thị xã vẫn mua phân bón về chăm sóc cây chè.
Bà Phạm Thị Nụ - Giám đốc Công ty TNHH chè San Trúc Thanh cho biết: Với công suất thiết kế máy 15 tấn chè búp tươi, Công ty phải thu mua được trên 8 tấn mới đủ đưa vào sản xuất. Do thời gian qua người nông dân tập trung thu hoạch chè bằng máy và liềm nên đã ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm của Công ty.
Tính đến thời điểm này các nhà máy chế biến trên địa bàn đã ngừng thu mua chè búp tươi được hơn một tuần và dự kiến sẽ thu mua trở lại sau khoảng mười ngày nữa.
Chị Nguyễn Thị Tươi ở phường Quyết Thắng (thị xã Lai Châu) - một chủ hộ thu mua chè búp tươi cho biết, máy sao chè mi ni của gia đình chỉ dùng để sao chè của nhà. Do thời gian này các nhà máy không mua nên gia đình chị thu mua giúp người nông dân. Do giá điện, nhiên liệu tăng, chi phí cho một kg sản phẩm lớn nên chị chỉ có thể thu mua với giá 3.500 đồng/1kg.
Cần liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Thực tế những năm qua người trồng chè trên địa bàn thị xã vẫn loay hoay với bài toán đầu ra cho sản phẩm. Dù trên địa bàn thị xã hiện có 471,4ha chè và hơn 160ha chè thuộc địa bàn xã Sùng Phài (Tam Đường) nhưng bốn nhà máy trên địa bàn thị xã: Công ty Chè Tam Đường, HTX Thành Gia, HTX San Thàng và Công ty TNHH Chè San Trúc Thanh vẫn không đủ nguyên liệu để chế biến.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, vùng nguyên liệu được các nhà máy "ngầm chia với nhau" để thu mua và giá chè búp tươi được các nhà máy liên kết thống nhất.
Dù một số nhà máy đã đầu tư hỗ trợ cho nông dân vay vốn, phân bón ngay từ đầu vụ nhưng giá chè búp tươi đã được các nhà máy niêm yết thu mua.
Với giá phân bón và các chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, người trồng chè chỉ bỏ công làm lãi. Thậm chí đã có người bỏ mặc diện tích chè của gia đình không đầu tư chăm sóc hoặc phá bỏ để bán đất. Điều đó đã và đang ảnh hưởng tới thương hiệu chè Lai Châu mà bấy lâu người tiêu dùng biết tiếng.
Rất cần các cơ quan chức năng can thiệp, có chính sách hỗ trợ giúp người nông dân sống được bằng nghề trồng chè.
Tin đọc nhiều

Livestream trên wechat và cái kết bất ngờ
Đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân
Cây quế cần có đầu ra bền vững
“Mệnh lệnh không lời” của lực lượng phá án ma túy
Sáp nhập bộ máy: Chủ trương đúng, thực thi kịp thời, hiệu quả cao

Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng phát triển lưới điện

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo nửa đêm nhắn tin tố “ngoại tình”

Chiêu trò lừa đảo từ các cuộc gọi không nói gì








