

Gia súc thả rông phá hoại rừng trồng của Doanh nghiệp Quyết Tiến tại khu vực bản Phiêng Phát, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên (ảnh chụp ngày 18/12/2011).
Theo chân cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng phòng hộ được trồng ở xã Trung Đồng. Cả vạt rừng hàng chục hécta cây vối thuốc (mậy thồ lộ), tống quá sủ, thông được 2 năm tuổi đã bị đàn gia súc thả rông phá hoại. Không chỉ bị trâu, bò ăn cụt ngọn, diện tích cây con mới trồng dặm cũng bị dẫm nát.
Theo anh Phạm Đức Công – cán bộ Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện thì khu vực rừng phòng hộ của xã Trung Đồng bị thiệt hại nặng bởi gia súc thả rông, phần lớn diện tích rừng trồng nằm ở các địa bàn giáp ranh, khó khăn trong công tác quản lý. Năm 2009, xã Thân Thuộc trồng mới 14ha rừng phòng hộ. Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thì 70% diện tích rừng đã bị gia súc phá hoại. Không chỉ riêng xã Thân Thuộc mà diện tích rừng trồng của các xã: Nậm Cần, Phúc Khoa, Pắc Ta cũng đang trong tình trạng báo động bởi nạn thả rông gia súc.
Ông Phạm Huy Minh - Chỉ huy Công trường Dự án trồng rừng xã Nậm Cần (Công ty Trồng rừng Quyết Tiến) bức xúc: “Hiện nay, diện tích rừng trồng của Công ty trên địa bàn xã Nậm Cần bị trâu, bò thả rông phá hoại lên đến hàng chục hécta. Tại bản Phiêng Lúc, Công ty trồng hơn 120ha cây gỗ sưa, dổi và keo nhưng khoảng 50% diện tích trên đã bị trâu, bò phá hoại, mật độ cây bị phá hoại khoảng 20% tổng diện tích, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Để bảo vệ rừng, song song với việc tổ chức trồng dặm diện tích cây đã bị thiệt hại, Công ty đã thành lập tổ tuần tra cơ động, tăng cường công tác bảo vệ rừng”.
Nhằm hạn chế tình trạng gia súc phá hoại rừng trồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã phối hợp với các cấp chính quyền, lực lượng Kiểm lâm tổ chức ký cam kết, yêu cầu các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc trong khu vực trồng rừng phòng hộ. Khi phát hiện gia súc thả rông phá rừng, các chủ đàn gia súc phải bồi hoàn diện tích rừng bị phá bằng hình thức trồng dặm.
Thời gian qua, đã có hàng chục hộ vi phạm cam kết bị phạt. Nhưng dường như biện pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả, khi hàng ngày vẫn có thêm nhiều diện tích rừng bị trâu, bò thả rông phá hoại.
Theo số liệu thống kê, diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Tân Uyên bị gia súc phá hoại tới thời điểm hiện nay đã hơn 100ha. Diện tích rừng trồng bị trâu, bò phá chủ yếu ở các khu vực giáp ranh giữa các xã, do đó công tác quản lý, bảo vệ, quy trách nhiệm khi rừng bị xâm hại cũng gặp không ít khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ huyện Tân Uyên đã chủ động sản xuất cây giống, hỗ trợ các chủ rừng khôi phục diện tích rừng bị thiệt hại. Đến thời điểm này, cơ bản diện tích rừng bị trâu, bò thả rông phá hoại đã được chủ rừng bỏ kinh phí trồng lại.
Thiết nghĩ, nuôi trâu, bò theo hình thức thả rông là một tập quán lạc hậu, cần sớm được thay đổi, vì tỷ lệ rủi ro rất cao. Qua những vụ rét của các năm gần đây, toàn huyện đã có hơn 2.000 trâu, bò thả rông bị chết rét, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với các hộ chăn thả. Bên cạnh đó hình thức này cũng gây ảnh hưởng xấu tới việc trồng rừng trên địa bàn huyện. Cần có biện pháp phù hợp để khắc phục tình trạng thả rông gia súc.
Tin đọc nhiều

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục

Xử lý rác thải rắn: Vấn đề cũ, thách thức mới

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè thị trấn Mường Tè

Cần sớm có giải pháp sửa chữa cầu Phiêng Đanh

Tả Phùng mùa khát

Livestream trên wechat và cái kết bất ngờ






