

Từ năm 2016 đến nay, huyện Than Uyên đào tạo gần 1000 chỉ tiêu/năm với trên 70% chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nghề nông nghiệp, còn lại là phi nông nghiệp. Sau đào tạo nghề, người lao động có kỹ năng lao động, phương pháp, tổ chức, làm việc theo nhóm, trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Đồng thời, vận dụng kiến thức đã học thực hiện sản xuất, kinh doanh tại địa phương như: trồng chè, sơn tra, xây dựng, điện, may. Hiệu quả rõ nét nhất là ý thức của người lao động nông thôn trong kỹ năng nghề phục vụ gia đình, thôn bản đã thay đổi.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc mỗi khóa đào tạo hay dạy nghề, người lao động thường không có vốn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm tiếp tục nhân rộng, duy trì ngành nghề đã học. Có nhiều mô hình học viên tham gia học như: trồng nấm, chăn nuôi cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn sau không tồn tại được lâu. Cũng theo quy định trong công tác đào tạo nghề, mỗi lao động chỉ được học một nghề duy nhất trong khi nhiều người muốn chuyển đổi ngành nghề khác. Việc tạo nghề giới thiệu việc làm sau đào tạo day nghề còn khó khăn, vướng mắc do trên địa bàn doanh nghiệp sử dụng lao động ít. Một số công ty các tỉnh dưới xuôi tuyển dụng lao động tay nghề lĩnh vực phi nông nghiệp như: may, xây dựng nhưng người lao động nông thôn không muốn vì lý do đi xa làm việc hay bận việc gia đình, chăm sóc con. Do vậy, việc tạo nghề chỉ đạt được 10-15% đi làm việc khu vực miền xuôi, còn lại sau học nghề phục vụ gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Anh - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên cho biết: “Cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có xưởng thực hành, khu thực nghiệm và nhận thức lao động sau khi học áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Trong khi đó, một số cán bộ phụ trách quản lý học nghề của lao động trên địa bàn xã còn chưa nắm bắt sát nhu cầu học nghề của người lao động. Có lao động còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước, chưa thực sự đưa kiến thức được học áp dụng vào trong cuộc sống, sản xuất. Số doanh nghiệp hoạt động tuyển dụng lao động đóng bảo hiểm hầu như không có. Đối với nghề nông nghiệp, một số cây trồng cũng phải đợi kết quả từ vài năm như: cây chè, quế, sơn tra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tạo nghề cho lao động nông thôn sau học nghề”.
Người dân xã Tà Mung mong muốn được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật thu hái chè để đảm bảo chất lượng.
Để tạo nghề cho lao động nông thôn sau khi được đào tạo, dạy nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề thiết thực, phù hợp. Đồng thời, tư vấn lợi ích việc học nghề cho lao động trong độ tuổi ở nông thôn. Các cấp, các ngành, tổ chức Hội, đoàn thể cũng quan tâm tạo điều kiện nguồn vốn vay cho học viên, hội viên sau khi học đầu tư áp dụng vào làm. Có chính sách trong đào tạo ngành nghề thu hút lao động địa phương tham gia, nhất là vấn đề giải quyết, giới thiệu việc làm cho lao động sau khi được đào tạo, dạy nghề.
Ngoài ra, hằng năm cần nâng cao kỹ năng tay nghề cho đội ngũ giáo viên với việc cập nhật thường xuyên kiến thức cho công tác đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trường đào tạo có uy tín. Hiện nay, Nhân dân tại một số vùng phát triển chè của huyện đang thu hái chè tuy nhiên kỹ thuật hái còn hạn chế; trong khi cơ sở thu mua xa nơi trồng. Do đó, cần mở các lớp đào tạo nghề hướng dẫn kỹ thuật thu hái, sơ chế và hỗ trợ máy làm chè mini để bà con sản xuất.
Ông Lò Văn Cường (bản Lun 1, xã Tà Mung) chia sẻ: “Sau khi có chủ trương của huyện về phát triển cây chè trên địa bàn xã, gia đình tôi chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng 2,2ha chè từ năm 2017. Đến nay, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hái. Tuy nhiên, tôi và bà con trồng chè muốn được tham gia lớp đào tạo tay nghề thu hái chè nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mong muốn huyện hỗ trợ bà con mua máy chè mini để sơ chế rồi bán cho doanh nghiệp, công ty thu mua chè, tránh việc mang sản phẩm đi xa bị hao hụt, giảm chất lượng”.
Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác tạo nghề cho lao động nông thôn cần tập trung đào tạo ngành nghề cần thiết, phù hợp mỗi vùng miền, cơ chế vay vốn ưu đãi sau đào tạo; liên kết doanh nghiệp giải quyết việc làm. Có như vậy, công tác đào tạo, dạy nghề mới mang lại hiệu quả cho những lao động nông thôn.

Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong mùa mưa

Cái giá đắt cho vợ chồng “hờ” bán “hải sản tươi”

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội

Tăng cường kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần linh hoạt thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng
Lớp học “đặc biệt” ở một nơi “đặc biệt”
Lời tự thú sau “song sắt” của “bóng hồng” lạc lối

Rà soát, di dời, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ sạt lở








