

Lo bổ sung mà không lường yếu tố gây bệnh
GS-TS Bùi Minh Đức (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, mọi người mới chỉ quan tâm đến việc bổ sung các chất để chống bệnh tật mà chưa quan tâm nhiều đến yếu tố gây bệnh. Ví dụ, mọi người thường bổ sung canxi để phòng loãng xương và nhuyễn xương, mà không biết rằng ăn mặn hay thiếu phosphor… dẫn tới nguy cơ loãng xương, gãy xương... Bởi dù có bổ sung nguồn canxi dồi dào, nhưng nếu chúng ta ăn mặn, ăn nhiều các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối thì nguy cơ loãng xương, gãy xương vẫn xảy ra. Muối ăn được chứng minh là rào cản lớn cho quá trình hấp thụ canxi trong việc xây dựng xương.
Nghiên cứu cho thấy, các phụ nữ mãn kinh có chế độ ăn nhiều muối bị đào thải mất các khoáng chất cần cho tạo xương nhiều hơn so với các phụ nữ khác ở cùng lứa tuổi. Muối ăn gây ra tổn thất mất canxi, làm yếu xương và dẫn tới gãy xương cùng với thời gian. Nếu lượng natri bài tiết quá 1-6gr/ngày sẽ có tác động xấu đến mật độ xương háng và tăng thải trừ natri qua nước tiểu. Vì vậy, để hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất xương, cần sử dụng khoảng 1.000mg canxi và không nhiều hơn 2gr muối/ngày. Để xương chắc khỏe, chế độ dinh dưỡng cần cân bằng bốn nhóm thực phẩm: Đạm, béo, xơ, vitamin và khoáng chat- không chỉ tốt cho xương mà cả sức khỏe nói chung. Tốt nhất là dùng các loại thực phẩm thô, hạn chế các loại qua tinh chế và chứa nhiều gia vị, muối…
TS Viên Văn Đoan (khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, tốc độ gia tăng về tỉ lệ tăng huyết áp (THA) trong cộng đồng ngày càng tăng cao. Tỉ lệ THA ở vùng thành thị là 22,7%, nông thôn 12,3%. Với dân số 84 triệu người, tính đến năm 2007, Việt Nam ước tính có khoảng 6,85 triệu thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người bị THA.
Ngoài các yếu tố như: Tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít hoạt động thể lực, béo phì, stress... thì ăn mặn là nguyên nhân quan trọng gây bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ cần ăn giới hạn muối trong khoảng 1,5gr/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp ở cả 2 nhóm người, nhóm ăn theo chế độ thông thường cũng như nhóm ăn theo chế độ kiểm soát huyết áp. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp.
Trong khi đó, một khảo sát gần đây đã cho biết, người Việt chúng ta đang có khuynh hướng ăn khá nhiều muối. Lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 - 22gr mỗi ngày, trong khi lượng khuyến cáo không quá 5gr. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3 - 4 lần, cộng với nước chấm và thức ăn nhanh có lượng muối khá cao là nguyên nhân gây bệnh. Trong khi đó, các biến chứng của THA là rất nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa...
Thực phẩm chế biến sẵn - thủ phạm gây thừa muối
Các chuyên gia cho biết, những hiểm họa tiềm ẩn không nhất thiết chỉ đến từ thói quen ăn uống với khẩu vị mặn, mà còn có thể “nhập cảnh” vào cơ thể từ nhiều loại thực phẩm được chế biến sẵn trên thị trường hiện nay. Theo công bố của Viện Dinh dưỡng cho thấy, người dân Việt Nam đang có thói quen ăn mặn, hiện mức sử dụng muối trung bình lên đến 18-22gr muối/người/ngày, cao gấp 3 lần khuyến cáo (dưới 6gr/người/ngày). Tuỳ theo từng vùng, thói quen ăn mặn lại khác nhau; chẳng hạn Hà Nam, Yên Bái là 13-15gr, trong khi ở các vùng biển hay các nơi còn nghèo, mức độ này lại tăng lên gấp 2-3 lần.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - nhu cầu sử dụng muối tăng cao một phần là do thói quen ăn mặn, phần khác là do nhu cầu đời sống tăng cao, người dân sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều loại gia vị đi kèm và đây chính là nguồn cung cấp muối nhiều nhất. Nếu tính chung, muối có trong thực phẩm tự nhiên và nước uống (thực phẩm khi ta nấu nướng) chiếm 20 - 40%, trong thực phẩm chế biến là 40 - 60%. Đặc biệt, hàm lượng muối tăng cao trong các loại gia vị ăn kèm như tương, xì dầu, mùtạt, cà muối, nước mắm… Chỉ trong 10ml nước mắm cũng có tới 2gr muối ăn.
Các chuyên gia cho rằng do muối có chứa nhiều natri (sodium) 40%, nên việc sử dụng muối không hợp lý gây nguy hại cho sức khoẻ. Natri là một trong những chất điện giải cơ bản trong cơ thể. Quá nhiều hay quá ít muối ăn trong ăn uống có thể dẫn đến rối loạn điện giải, có thể dẫn tới các vấn đề về thần kinh rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người. Việc sử dụng quá nhiều muối ăn không chỉ liên quan đến bệnh cao huyết áp, loãng xương mà ăn mặn cũng dẫn đến ung thư, sỏi thận, thận hư, nhiễm mỡ và nhất là việc tích trữ quá nhiều sodium sẽ gây ra tác động phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN, khiến các cơ chế phục hồi tế bào trong cơ thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả…
Ăn ít muối để khoẻ mạnh
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu muối tuỳ thuộc vào khí hậu thời tiết, mức độ hoạt động của cơ thể, thói quen ăn mặn, nhạt của mỗi người. Ăn mặn có thể tạo nguy cơ cao huyết áp. Trái lại, ăn nhạt, thiếu muối, lại tạo huyết áp thấp. Vì vậy, tốt nhất mỗi ngày, chúng ta chỉ nên tiêu thụ khoảng từ 3 - 6gr muối. Đối với những người bị cao huyết áp thì chỉ nên dùng tối đa là 2 - 4gr muối/ngày. Trẻ em, người già và phụ nữ có thai nên dùng ở tỉ lệ thấp hơn.
Chúng ta nên cố gắng điều chỉnh lại khẩu vị hợp lý bằng cách tránh tối đa việc lạm dụng muối trong bảo quản thực phẩm và chế biến các món ăn, đặc biệt nên hạn chế sử dụng những loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều sodium như mì sợi, các loại thực phẩm được chế biến và đóng gói sẵn, thực phẩm đông lạnh, thịt gia cầm làm sẵn, các món dưa chua làm từ rau-củ tươi, các loại ruốc hay mắm nêm có hàm lượng muối cao, các loại thức ăn nhanh như khoai tây chiên, phồng tôm... và nên cẩn thận xem tỉ lệ các thành phần có trên bao bì để cố gắng hạn chế việc sử dụng.
Mối liên quan giữa muối và cao huyết áp
- Dưới 1,6gr muối/ngày/người: Rất ít gặp huyết áp cao.
- Từ 1,6gr đến 8gr muối/ngày/người: Số người cao huyết áp tăng lên tới 15%.
- Trên 8gr muối/ngày/người: Số người cao huyết áp tăng lên tới 30%.
Tin đọc nhiều

Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa

Tam Đường tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục

Xử lý rác thải rắn: Vấn đề cũ, thách thức mới

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè thị trấn Mường Tè

Cần sớm có giải pháp sửa chữa cầu Phiêng Đanh






