

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi trở lại xã Mù Sang và ghé thăm gia đình chị Sùng Thị Ca, có nhà ở ngay lưng chừng dốc. Trong nhà, chị mua đầy đủ các thiết bị sinh hoạt hiện đại sử dụng điện. Nhưng phải loay hoay một lúc, chị Ca mới đấu nối, bật được bóng đèn, song ánh điện chập chờn, không ổn định.
Chị Ca chia sẻ: Điện từ máy phát mini chạy bằng sức nước ở con suối của bản kéo về nên yếu lắm. Chỉ đủ bật 1 bóng đèn với sạc điện thoại. Mới đầu lắp đặt máy nghĩ sẽ sử dụng được nhiều thiết bị điện nên gia đình tôi cũng mua loa, tivi, máy thái chuối phục vụ chăn nuôi nhưng rồi lại để không. Bóng điện trên nhà bật thì phải tắt ở bếp và ngược lại. Không có điện làm gì cũng bất tiện. Tôi và các hộ dân ở đây chỉ mong Đảng, Nhà nước quan tâm đưa điện lưới quốc gia về bản để bà con đỡ khổ hơn, nhất là các con có điều kiện học hành tốt hơn.
Được biết, máy phát điện mini là gia đình chị Ca mua chung với gia đình anh Cứ A Lềnh. Từ năm 2015 đến nay, 2 gia đình đã phải thay nhiều máy vì thời gian ngắn lại hỏng nên rất tốn kém.
Theo lời anh Lềnh, cực chẳng đã mới dùng đến máy phát điện này. Muốn phát triển kinh tế, cũng cần có điện. Chúng tôi tha thiết mong các cấp, ngành chức năng bố trí lắp đặt điện lưới quốc gia về bản để bà nơi có thể tiếp cận được với khoa học kỹ thuật cũng như thông tin thời sự, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm nhất.
Em Ma Thị Phê ở Xa Tổng học bài dưới ánh đèn pin bởi không có điện lưới quốc gia.
Được biết, Xa Tổng cách trung tâm xã Mù Sang 9km. 17 hộ dân nơi đây thuộc các bản: Tung Trung Vang, Lùng Than, Mù Sang về đây khai hoang phát triển kinh tế trước những năm 2010. Do xa bản nên các hộ chuyển hẳn về Xa Tổng sinh sống và sản xuất, lập thành nhóm hộ. Toàn nhóm có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người 24,46 triệu đồng/năm. Bà con chủ yếu sinh hoạt bằng đèn đầu, đèn pin; hộ có điều kiện hơn thì mua máy phát điện mini. Tuy nhiên, máy phát điện mini cũng chỉ sử dụng được vài tháng trong năm, bởi mùa khô suối không có nước.
Ban ngày, người dân tranh thủ sạc điện dự phòng để dùng vào ban đêm. Các thiết bị có công suất lớn như: tủ lạnh, tivi không thể sử dụng. Điều đáng nói, nhiều hộ mua tivi song cũng chưa bao giờ được xem vì điện yếu. Vì thế, bà con không nắm bắt kịp thời thông tin thời sự, tiếp cận với những đổi thay trong tư duy sản xuất mới của nhân dân vùng thuận lợi. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bà con ở Xa Tổng chủ yếu trồng lúa, ngô theo cách truyền thống nên năng suất thấp; chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Trẻ em cũng chịu nhiều thiệt thòi khi không có đủ ánh sáng phục vụ học tập vào mỗi buổi tối. Thiếu điện không chỉ bó hẹp đời sống hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ.
Một số hộ dân đầu tư máy phát điện mini chạy bằng sức nước nhưng nguồn điện rất yếu.
Tranh thủ ngày nghỉ và ánh sáng ban ngày, em Ma Thị Phê (lớp 7, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Mù Sang) làm bài tập cô giáo giao. Phê cho biết: Bản em không có điện nên mỗi khi về nhà em không học được vào buổi tối hoặc là bật đèn pin để học. Em chỉ mong bản sớm có điện.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn của các hộ dân ở Xa Tổng khi không có điện lưới quốc gia, ông Tẩn Seo Phìn - Phó Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết: Các hộ ở Xa Tổng không có điện lưới quốc gia sử dụng nên rất khó khăn trong canh tác, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Các hộ đã nhiều lần kiến nghị qua các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc cử tri đề nghị cấp trên về vấn đề này. Xã cũng đã báo cáo lên cấp trên và nhận được ý kiến chỉ đạo khi có kinh phí sẽ triển khai sớm.
Rất mong các cấp, ngành của tỉnh quan tâm đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của bà con. Có điện, bản làng sẽ sáng hơn, cuộc sống người dân sẽ bớt nhọc nhằn và những ước mơ trẻ thơ cũng sẽ được chắp cánh bay cao, bay xa hơn.
Tin đọc nhiều

Kỳ 3: Để Đề án 06 trở thành trụ cột bền vững của chuyển đổi số

Kỳ 2: Giá trị nhân văn và phục vụ an sinh từ Đề án 06
Nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm
Hành trình “số hóa” ở vùng biên

Phát hiện 720kg mì chính thiếu thông tin xuất xứ hàng hóa

Thiếu nước sản xuất ở Chù Lìn

Kỳ 2: Ấm no nhờ có Đảng

Dân tộc Lự ở Tam Đường - Vững bước dưới cờ Đảng







