

Từ thành phố Lai Châu, chúng tôi vượt hơn 250km đến các xã: Ka Lăng, Thu Lũm để tìm hiểu về việc trồng loại ớt đặc sản của bà con dân tộc Hà Nhì trên mảnh đất biên cương nơi thượng nguồn Đà giang. Thời điểm này, ớt trung đoàn đang vào vụ thu hoạch và bán cho các tiểu thương tại xã với giá chưa đầy 100 nghìn đồng/kg khiến người dân khá buồn. Trao đổi với anh Chu Mụ Hừ (ở bản Thu Lũm, xã Thu Lũm) chúng tôi được biết: Năm 2021, giá bán 1kg ớt trung đoàn tại xã từ 250 - 300 nghìn đồng. Năm 2022, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, thấy đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi và nhiều hộ trong bản mở rộng diện tích trồng. Vụ ớt năm nay, gia đình tôi triển khai trồng trên 300m2, từ đầu vụ đến nay đã cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Thời điểm này, khi mùa ớt đang rộ thì giá bán 1kg chỉ khoảng 100 nghìn đồng, chưa bằng nửa giá năm ngoái, mà người mua chỉ là những hộ tiểu thương tại xã. Việc xây dựng thương hiệu, giá thành và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm ớt trung đoàn đang là niềm mong mỏi của người trồng ớt tại Thu Lũm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm ớt trung đoàn đang là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Khoàng Sỳ Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Hiện, trên địa bàn xã Ka Lăng người dân đã triển khai trồng khoảng 5,2ha ớt trung đoàn. Tuy nhiên, việc trồng ớt của người dân đang là một hoạt động tự phát; trồng và thu hoạch chưa được bà con thực hiện theo quy trình kỹ thuật; đầu ra của sản phẩm vẫn là thị trường trong nước nên chuyện bị thương lái ép giá vẫn xảy ra. Giá ớt xuống thấp chỉ bằng một nửa năm trước khiến người dân giảm thu nhập và không mặn mà với việc trồng ớt.
Hiện nay ớt trung đoàn vẫn chưa có đầu ra bền vững. Trong ảnh: Người dân bán ớt trung đoàn cho khách hàng.
Để cây ớt trung đoàn trở thành sản phẩm đặc sản của địa phương và tạo thu nhập ổn định cho người dân, xã đã đề nghị với UBND huyện cử các cơ quan chuyên môn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tổ chức quy hoạch vùng trồng tại các bản. Đồng thời, có cơ chế thu hút các tổ chức doanh nghiệp đầu tư nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các cơ sở chế biến tại địa phương cũng như tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm ớt trung đoàn.
Chúng tôi mang những trăn trở, tìm lời giải của người trồng ớt trung đoàn đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mường Tè. Trao đổi với đồng chí Tống Văn Thi - Trưởng Phòng NN&PTNT chúng tôi được biết: Cây ớt trung đoàn đã được huyện xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sản, huyện đã quy hoạch và xác định phát triển vùng trồng trên địa bàn 2 xã: Ka Lăng, Thu Lũm với diện tích khoảng 40 - 50ha trong giai đoạn 2020 - 2025. Tính đến thời điểm hiện tại, người dân 2 xã đã triển khai trồng được khoảng 11ha. Cây ớt trung đoàn 1 vụ có thể cho thu hoạch khoảng 3 lứa quả, sản lượng ước đạt từ 1-1,2 tấn quả.
Việc xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm ớt trung đoàn đã được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện Mường Tè đặc biệt quan tâm. Hiện, đã có sản phẩm ớt trung đoàn Mường Tè của HTX Thanh Nga được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, huyện đã thành lập các đoàn có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, người dân 2 xã đi học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn; tổ chức vận động các tổ chức doanh nghiệp, nhà đầu vào phát triển sản phẩm ớt trung đoàn tại địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức liên kết để doanh nghiệp và người dân tham gia trồng, chế biến ớt trung đoàn vẫn chưa thực hiện được với nhiều lý do, trong đó khó khăn về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật… đang là trở ngại lớn.
Để cây ớt trung đoàn phát triển ổn định và bền vững, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra. Đồng thời, cần tổ chức hiệu quả việc liên kết giữa giữa doanh nghiệp với người dân nhằm áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để ớt trung đoàn và các sản phẩm được chế biến từ ớt đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tin đọc nhiều

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Ngăn chặn các hoạt động buôn bán lâm sản trái phép
Bài 2: Khi Đảng gần dân, hủ tục không còn chỗ đứng

Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa

Tam Đường tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục






