

Một khoảng không gian nhỏ, mấy chiếc ghế mây và một ít dụng cụ đơn sơ. Bất kể ngày mưa hay nắng, anh Lương Văn Tâm (thành phố Lai Châu) vẫn dọn hàng ra trước cửa nhà. Đôi bàn tay thô ráp chằng chịt những vết nhăn đưa xỏ từng đường kim mũi chỉ để “tái sinh” những đôi giày, đôi dép tưởng chừng như bỏ đi trở lên lành lặn, chắc chắn. Anh Tâm bộc bạch “Tôi đã gắn bó với nghề này gần 20 năm, tôi không thể nhớ đã sửa và làm mới bao nhiêu đôi giày nữa. Làm nghề sửa giày dép không quá khó, dụng cụ đơn giản, vốn bỏ ra không đáng là bao. Chỉ cần một vị trí nhỏ trên vỉa hè hay góc phố là có thể yên tâm ngồi làm cả năm. Thu nhập cũng khá ổn định, trừ các khoản chi phí thì vẫn đủ sống. Nghề này không phải gánh vác nặng nhọc, chỉ vất vả vì phải ngồi cả ngày. Nhưng đã xác định gắn bó với nghề thì phải khắc phục vì đấy là nghề mình đã chọn và cũng nhờ nghề này mà tôi đã nuôi sống được gia đình, các con được ăn học đến nơi đến chốn. Với giá thành từ 10 – 30 nghìn cho một đôi giày dép khâu lại hay dán đế, tôi vẫn đùa với các con sửa giầy dép là nghề “nhặt tiền lẻ” trên hè phố. Anh Tâm cũng chia sẻ thêm, ngôi nhà gia đình anh đang ở là tiền tích cóp sau nhiều năm làm nghề sửa chữa giày dép. Với phương châm mình làm việc có tâm ắt sẽ có khách, nên dù nhiều năm nay, những người thợ cùng thời với anh đã bỏ theo nghề khác thì anh vẫn giữ được uy tín và lượng khách quen nhất định.
Nghề sửa giày dép đã gắn bó với anh Lương Văn Tâm (thành phố Lai Châu) gần 20 năm.
Ở một góc phố khác. Chỉ với một chiếc tủ và ít đồ nghề đơn sơ. Ông Bùi Văn Hiếu (sinh năm 1965 – quê Thái Bình) có thâm niên với nghề sửa khóa gần 30 năm nay. Năm 2002 ông lên thị trấn Tam Đường - huyện Phong Thổ (tiền thân của thành phố Lai Châu bây giờ) lập nghiệp. Ngày đấy Lai Châu chưa chia tách tỉnh, dân số ít, nên cũng chỉ có 1-2 quầy sửa khóa. Khi ấy, nghề sửa khóa đem lại thu nhập đáng kể, giúp nuôi sống cả gia đình ông. Nghề sửa khóa ngoài đòi hỏi sự khéo léo thì người thợ còn phải đặt cái tâm sáng, không lợi dụng nghề để làm việc xấu hoặc tiếp tay cho những kẻ gian. Mấy chục năm làm nghề, ông đã sửa hàng nghìn cái ổ khóa và cắt hàng nghìn chiếc chìa khóa mới cho khách, cũng đã “cứu nguy” không biết bao nhiêu chiếc xe máy và ô tô bị hỏng khóa.
Sau này tỉnh Lai Châu chia tách, dân số đông hơn, cũng nhiều quầy sửa khóa mọc lên. Những thợ sửa khóa mới, trẻ rất năng động, nhanh nhẹn. Họ mở những dịch vụ sửa khóa tại nhà, tại cơ quan nên thu hút lượng khách đáng kể. Chính vì vậy mà thu nhập của gia đình ông cũng bị ảnh hưởng. Thế nhưng ông vẫn gắn bó với nghề, vừa để mưu sinh, vừa để tận hưởng cảm giác thân thuộc, những niềm vui nho nhỏ và giúp ích cho đời từ cái nghề rất đỗi giản dị.
Năm 2009, sau khi nghỉ hưu, ông Bùi Thanh Niên (sinh năm 1952 – thành phố Lai Châu) cảm thấy mình cần phải tìm một việc gì đấy để làm cho đỡ buồn. Nghĩ là làm, đầu tiên ông tìm mua lại những chiếc xe đạp cũ với giá 30-50 nghìn đồng, rồi về tháo lắp, bôi dầu, tra mỡ, tháo ra rồi lại lắp lại để học nghề. Ban đầu ông nhận sửa không công cho bà con quanh khu phố, rồi tay nghề dần nâng cao, ông bắt đầu có những khách hàng đầu tiên, bạn bè rồi hàng xóm giới thiệu người quen, người nhà đến sửa. Trước đây, xe đạp là phương tiện lưu thông phổ biến nên thu nhập từ nghề sửa xe của ông cũng đáng kể. Sau này xe đạp điện, xe máy lên ngôi, ít người còn dùng đến xe đạp. Tiệm sửa xe đạp của ông Niên ngày càng vắng khách. Nhưng không vì thế mà ông bỏ nghề. Ông bảo làm nhiều thì quen tay, rồi thành yêu nghề từ bao giờ. Ngày nào mà tay không cầm cờ lê, ốc vít, người không có mùi dầu mỡ thì ông thấy buồn thấy nhớ lắm.
Theo dòng chảy của thời gian và cùng với sự phát triển của công nghệ. Nhiều cửa hàng, dịch vụ sửa chữa hiện đại mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu của con người. Hình ảnh những người thợ với những nghề cũ trên vỉa hè, nơi góc phố dần trở nên hiếm hoi, nhưng với những người lớn tuổi hay hoài niệm và cả thế hệ sau này họ mãi là hình ảnh thân thương khắc sâu trong ký ức.
Tin đọc nhiều

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật 'Đất nước trọn niềm vui'

Trường THCS Giang Ma: Phát triển văn hóa đọc

Khai mạc Lễ hội Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt thổ cẩm lần thứ III năm 2025

Sin Suối Hồ: Bản tình ca của hoa và những nụ cười

Nhiều chương trình trọng điểm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước trên sóng truyền hình

Dự án "Yêu lắm Việt Nam": Mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách









