

Những ngày cuối năm có mặt tại các bản: San Thàng, Cắng Đắng, Chin Chu Chải, chúng tôi cảm nhận không khí tết đang về. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, nhiều gia đình dọn dẹp, trang trí nhà ở, mua sắm thêm đồ dùng với mong muốn có một cái tết đủ đầy, ấm no. Anh Thào Văn Chiềng - Trưởng bản San Thàng tâm sự: “Mấy năm trở lại đây, cuộc sống bà con khấm khá hơn. Ngoài trồng lúa, ngô từ khi chợ đêm San Thàng đi vào hoạt động giúp cho bà con thêm thu nhập từ nghề làm bánh truyền thống như: bánh phở, bánh bỏng, bánh giầy, nhiều hộ thu về 50 – 80 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, bản chỉ còn 5 hộ nghèo. Cuộc sống đổi thay nhưng nét đẹp trong ngày tết Nguyên đán vẫn được đồng bào dân tộc Giáy gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ”.
Mỗi dịp tết đến xuân về, trong mỗi gia đình của đồng bào dân tộc Giáy luôn tràn ngập không khí vui tươi bởi bà con ăn tết kéo dài từ ngày mùng 1/1 âm lịch tết đến ngày 15/1 âm lịch. Chúng tôi tìm đến nhà chị Lục Thị Mần ở bản San Thàng khi các thành viên trong gia đình đang làm các loại bánh truyền thống để cúng tổ tiên cũng như làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Chị Mần cho biết: “Hàng ngày, gia đình làm nhiều loại bánh để bán nhưng trong ngày tết, không thể thiếu hai loại: bánh bỏng và bánh khảo. Hai loại bánh này được người Giáy dâng lên bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa báo cáo thành quả lao động trong một năm, đồng thời cầu xin ban cho sức khỏe, may mắn, mùa màng bội thu”.
Bánh dày là một trong những bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy ở bản San Thàng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) trong những ngày tết.
Cũng theo chị Mần, bánh bỏng mang ý nghĩa vui vẻ, đủ đầy, do đó để hoàn thành đạt yêu cầu đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết, lựa chọn hạt gạo nếp tròn, to; ngâm gạo rồi đồ chín. Sau khi xôi chín thì dàn đều và phơi dưới ánh nắng khoảng 1 tiếng, cho vào cối giã đến khi hạt gạo mỏng dẹt lại phơi thêm lần nữa để không bị mốc, tiếp tục cho vào chảo rang đều. Hạt gạo rang được trộn với đường phên, khi dính kết với nhau đổ vào khuôn, rắc thêm ít lạc cho thơm.
Theo kinh nghiệm của người làm bánh lâu năm, để có chiếc bánh bỏng ngon, khâu quan trọng nhất là thắng đường đảm bảo không cháy, khét, hạt gạo dính vào nhau mới đạt yêu cầu. Ngày xuân, khi khách đến chơi nhà ngoài chén rượu còn được mời thưởng thứcbánh bỏng. Bánh bỏng có mùi thơm của nếp, lạc, ngọt vị đường phên làm từ mật mía tạo hương vị đặc biệt trong những ngày xuân năm mới.
Vào dịp tết, đồng bào dân tộc Giáy thường cúng tổ tiên từ đêm giao thừa và từ ngày mùng 1 đến mùng 3 thắp hương liên tục, ngày bày hai mâm thức ăn dâng cúng tổ tiên. Vì vậy, mâm cơm đêm giao thừa phải có đôi gà, vịt, rượu, thịt lợn. Đặc biệt, khâu nhục là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết, được chế biến từ thịt lợn, dưa cải chua khô, muối mì chính. Thịt lợn được thui hoặc quay vàng bì, đem ướp gia vị, thêm dưa đem hấp cách thuỷ. Khi ăn có vị chua cay, thơm ngon mà không ngán.
Sau khi chuẩn bị xong mâm cỗ cúng tổ tiên vào đêm 30 tết, sáng mùng 1, các gia đình thức dậy rất sớm tiến hành dán giấy đỏ trong nhà. Theo quan niệm của người Giáy, giấy đỏ tượng trưng cho may mắn, tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu một năm mới với mong muốn an khang, thịnh vượng. Do đó, các vị trí trong nhà, vật dụng cuốc, dao, xẻng cho đến cây cối đều được gia chủ dán giấy đỏ. Ngày tết, trẻ em và người già đều được nhận tiền lì xì. Theo chia sẻ của các già làng, người Giáy có một số kiêng kỵ trong ngày tết. Người xông nhà đầu năm mới phải là nam giới mạnh khoẻ, vào nhà thì lạy một lạy cầu chúc cho chủ nhà. Kiêng người xông nhà khi gia chủ chưa cúng tổ tiên. Từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tết, kiêng không cho lửa, không vay mượn tiền của, thổi lửa trong bếp từ sau khi giao thừa đón năm mới bởi quan niệm thổi bay hết may mắn trong gia đình. Đồng thời, kiêng không chửi mắng vì người bị mắng sẽ làm ăn không tốt, luôn gặp chuyện xúi quẩy.
Điểm độc đáo nữa trong thực hiện nghi lễ đầu năm của người Giáy là Lễ hội xuống đồng được tổ chức từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 8 tết. Với mong muốn cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên bình, đời sống ấm no. Ngày tết của đồng bào dân tộc Giáy không thể thiếu các bài hát, điệu múa, trò chơi dân gian như: ném còn, bập bênh, chơi quay… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Chia tay bà con dân tộc Giáy ở xã San Thàng khi mùa xuân mới đang đến gần, nhà nhà chuẩn bị đón tết, mong rằng năm mới người dân nơi đây có nhiều sức khỏe, may mắn, cuộc sống ngày càng ấm no hơn.
Tin đọc nhiều

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật 'Đất nước trọn niềm vui'

Trường THCS Giang Ma: Phát triển văn hóa đọc

Khai mạc Lễ hội Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt thổ cẩm lần thứ III năm 2025

Sin Suối Hồ: Bản tình ca của hoa và những nụ cười

Nhiều chương trình trọng điểm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước trên sóng truyền hình










