

Mùa xuân, khi đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc lòng người hân hoan, đoàn kết, hướng về Lễ hội. Có lẽ vì thế mà mới hơn 7 giờ sáng, sân Nhà Văn hóa bản văn hóa San Thàng 1 đã ồn ào, náo nhiệt bởi tiếng loa đài, bà con cùng nhau diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, rực rỡ sắc màu từ các nẻo đường nô lức đổ về trung tâm xã, tiếng nói cười vang rộn cả núi rừng. Trước khi vào Lễ hội chúng tôi có dịp trò chuyện với đồng chí Lù Văn Bình – Bí thư Đảng ủy xã, được biết: “Những năm gần đây được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, xã đều đứng ra tổ chức Lễ hội Tú Tỉ cho bà con nhằm khơi dậy, bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giấy. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 2/2 âm lịch, theo tiếng Giấy, Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất. Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá”, từ nhiều năm nay người dân sinh sống ở vùng đất này đã duy trì phong tục thờ cúng thổ công, để hôm nay nó trở thành một nghi lễ tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Giấy”.
Lễ cúng thổ công được thầy mo thực hiện một cách trang nghiêm.
Sau bài phát biểu khai mạc của đại diện lãnh đạo xã, bà con được hòa mình vào màn trống khai hội và các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được thực hiện bởi chính những người dân địa phương. Những lời ca tiếng hát, những điệu múa truyền thống của địa phương như tiếp thêm sức mạnh cho Nhân dân hăng say sản xuất, quên đi cái mệt nhọc vất vả trong công việc hàng ngày.
9 giờ sáng, các vị đại biểu, lãnh đạo xã cùng toàn thể bà con tập trung tại gốc cây đa to ở đầu bản, bắt đầu nghi lễ cúng thổ công. Lễ cúng bao gồm một con lợn và hai con gà. Nghi thức cúng dân gian được tiến hành một cách trang trọng trước sự chứng kiến của mọi người. Thầy mo sẽ cúng lần thứ nhất để mời vị thần cai quản vùng đất về. Sau khi cúng xong lần một, mọi người cùng nhau mổ lợn và gà tại chỗ, sau đó luộc chín và cúng lần hai. Thầy mo thực hiện việc cúng để mời vị thần cai quản vùng đất về nhận lễ vật dâng cúng và để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, người dân trong bản được mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi nảy nở, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Sau khi cúng xong bà con trong bản (mỗi nhà một người, là con trai và mặc áo màu đen, nếu người con trai mà vợ đang mang bầu thì cũng không được vào) cùng hưởng lễ vật ngay tại gốc cây.
Chị Hoàng Thị Ngần – bản San Thàng 1, xã San Thàng chia sẻ: “Lễ Tú Tỉ đã có từ rất lâu đời của đồng bào dân tộc Giấy ở xã San Thàng. Song trước đây chỉ có thầy mo và một số hộ dân tiêu biểu trong xã được tham gia Lễ cúng Tú Tỉ. Ngày nay được xã đứng ra tổ chức nên Lễ Tú Tỉ có thêm phần hội, bà con không chỉ được tham gia mà còn hiểu rõ và tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mỗi khi Lễ hội được tổ chức, chẳng ai bảo ai, bà con tự giác quét dọn nhà cửa, vườn tược, đường làng ngõ bản cũng vì thế mà phong quang, sạch đẹp hơn, con người vui vẻ hòa thuận cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi mong rằng những năm tiếp theo xã sẽ tiếp tục đứng ra tổ chức để các con, cháu sẽ tiếp tục lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.
Có lẽ sôi động, hào hứng và thu hút đông đảo bà con tham gia và cổ vũ nhất là phần hội. 150 vận động viên đến từ các bản trong xã tham gia 5 môn thi truyền thống: kéo co, giã bánh dày, cày ruộng, bắn nỏ, nhảy bao bố. Các vận động viên được thể hiện tài năng, sức mạnh của mình trong từng môn thi. Là năm đầu tiên Ban Tổ chức Lễ hội tổ chức phần thi cày ruộng, người dân trong xã tập trung chật các thửa ruộng, tạo nên một không khí náo nhiệt và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. 3 đội thi đến từ 3 bản San Thàng 1, San Thàng 2 và Chin Chu Chải đã cố gắng hết mình để có không chỉ đảm bảo về thời gian mà còn đảm bảo kỹ thuật của mỗi đường cày phải thẳng, đều và sâu. Theo quan niệm của người dân, nếu đường cày thẳng, đều và đẹp thì họ sẽ gặp nhiều thuận lợi trong sản xuất, thóc ngô đầy nhà, lợn, gà đầy chuồng, con người được bình an mạnh khỏe.
Các vận động viên tham gia môn thi nhảy bao bố tại Lễ hội.
Cũng tại lễ hội bà con còn được tham gia các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, bịt mắt đánh chiêng, ném cổ vịt, đổ nước vào chai… Ông Hoàng Chí Tình – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: “Lễ hội Tú Tỉ đã thực sự trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc ở xã San Thàng. Qua đó góp phần duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Giấy, đồng thời thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở; tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong xã. Lễ hội cũng là dịp để động viên bà con trong xã thi đua, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng ngày càng văn minh, giàu đẹp…”.
Lễ hội Tú Tỉ khép lại trong niềm tin, hy vọng một năm mới an lành, mùa màng tươi tốt. Đó cũng chính là động lực, là sức mạnh để người dân hăng say lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
Tin đọc nhiều

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật 'Đất nước trọn niềm vui'

Trường THCS Giang Ma: Phát triển văn hóa đọc

Khai mạc Lễ hội Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt thổ cẩm lần thứ III năm 2025

Sin Suối Hồ: Bản tình ca của hoa và những nụ cười

Nhiều chương trình trọng điểm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước trên sóng truyền hình

Dự án "Yêu lắm Việt Nam": Mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách









