

Vẻ đẹp hùng vĩ của nơi con sông Đà chảy vào đất Việt.
NƠI KHỞI NGUỒN
Những ngày cuối năm, trong câu chuyện với đồng chí Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè chia sẻ về niềm vui khi cách đây hơn 5 năm được mang tình cảm của người dân nơi thượng nguồn sông Đà cùng đoàn công tác của tỉnh và đem đá từ mốc 18 ra Trường Sa để đồng hành với chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Một chương trình đã tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội, có ý nghĩa chính trị sâu sắc và to lớn, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của đông đảo Nhân dân đối với đất nước, huy động mọi nguồn lực chăm lo, động viên cán bộ, chiến sỹ hải đảo làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước. Huyện Mường Tè chọn vị trí lấy đá từ mốc 18 mang ý nghĩa rất quan trọng, đây là nơi con sông Đà chảy vào đất Việt, là nơi khởi nguồn của “dòng sông năng lượng” với bậc thang 4 thủy điện Pắc Ma, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình có tổng công suất trên 5.640MW, cung cấp khoảng 25 tỷ kWh điện và đem lại giá trị sản lượng điện trên 1,3 tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là vị trí rất có tiềm năng để phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế của khẩu.
Những lời giới thiệu về vẻ đẹp và tiềm năng nơi con sông Đà chảy vào đất Việt của đồng chí Bí thư Huyện ủy là động lực để chúng tôi đến mốc 18. Từ thị trấn Mường Tè, vượt gần 120km ngược dòng sông Đà với những cung đường quanh co, đèo dốc, hình ảnh những cánh hoa đào, hoa mận đang đua nhau khoe sắc, báo hiệu xuân đang về trên những bản làng vùng biên cương nơi cực Tây Tổ quốc. Hành trình đến nơi khởi nguồn “dòng sông năng lượng” của chúng tôi phải kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Đoạn đường đất từ ngã ba Nậm Lằn vào đến mốc có chiều dài hơn 20km đã chiếm gần 2 giờ của chúng tôi, bởi những cơn mưa xuân đã tạo nên một lớp bùn lầy nên việc di chuyển khó khăn hơn. Ở nơi thượng nguồn dòng sông Đà, những thác nước tung bọt trắng xóa, chảy xuyên qua những vách núi, cánh rừng phòng hộ đầu nguồn với một màu xanh đầy sức sống, tạo nên khung cảnh núi non hùng vĩ.
Mốc 18 được Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ quản lý, bảo vệ, hình ảnh một khu nhà gỗ đã “đậm mầu thời gian” nằm bên sông Đà giúp chúng tôi hiểu được phần nào cuộc sống của những chiến sỹ biên phòng nơi đây. Trao đổi với Trung úy Đặng Văn Mạnh - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ chúng tôi được biết: Suối Nậm Lùng hòa vào sông Đà chảy vào địa phận Việt Nam tại mốc 17 nơi đường phân thủy phân giới giữa huyện Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc) với huyện Mường Tè (Lai Châu, Việt Nam) và chảy hoàn toàn vào nước ta tại mốc 18 vị trí ngã ba sông có đường phân thủy của sông Đà và suối Nậm Là giáp giữa huyện Lục Xuân (Vân Nam, Trung Quốc) và huyện Mường Tè - đây là vị trí chiến lược rất quan trọng trong công tác biên phòng. Dù cơ sở vật chất thiếu thốn, trạm ở xa dân, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sỹ của trạm luôn đoàn kết, vững tay súng, thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
KHƠI DẬY TIỀM NĂNG
Đưa chúng tôi đi thăm mốc 18 cách Trạm Kẻng Mỏ khoảng 300m, Trung úy Đặng Văn Mạnh tâm sự về những nỗi niềm của người lính từ ngày tốt nghiệp Học viện Biên phòng đã gắn bó với vị trí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. “Tôi rất mong vị trí mốc 18 sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư và giới thiệu để nhiều người dân trong nước và bạn bè quốc tế biết đến vẻ đẹp của vị trí nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”. Cột mốc 18 nằm bên ngã 3 sông một dòng đậm, một dòng trong hòa vào nhau tạo thành đường phân thủy giữa hai nước Việt - Trung. Hình ảnh sơn thủy, hữu tình đã khiến chúng tôi ngẫm và cảm nhận về nhiệm vụ của những chiến sỹ biên phòng và cuộc sống của người dân vùng biên. Nghề báo cho tôi những chuyến đi, biết nhiều điểm du lịch và nhiều cột mốc đẹp, quan trọng. Với tôi, mốc 18 nằm trong tốp cột mốc đẹp nhất trên tuyến biên giới Việt Nam. Cùng với vị trí quan trọng là nơi khởi nguồn của “dòng sông năng lượng”, nếu được đầu tư xây dựng về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất và một cột cờ như cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) hay cột cờ Lũng Pô (Lào Cai) thì đây sẽ là điểm nhấn không chỉ của du lịch tỉnh Lai Châu mà còn của cả nước.
Con sông Đà chảy vào đất Việt tạo thành đường phân thủy để huyện Mường Tè có đường biên giới giáp với hai huyện Lục Xuân và Giang Thành (Vân Nam, Trung Quốc). Nếu được quy hoạch, đầu tư phát triển hợp lý sẽ là lợi thế để khu vực này tạo thành liên kết vùng và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Trong câu chuyện với đồng chí Lý Anh Hừ - Bí thư Huyện ủy Mường Tè chúng tôi được biết: Trên địa bàn huyện Mường Tè đã có cửa khẩu phụ U Ma Tu Khòong được đặt tại bản U Ma, xã Thu Lũm. Tuy nhiên, trên thực tế ở vị trí mốc 18 có khoảng cách địa lý và địa hình thuận lợi có thể phát triển kinh tế cửa khẩu. Nếu được sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông tới mốc 18 đến mốc 17 trên lãnh thổ nước ta sẽ tạo nên sự thông thương giữa huyện Mường Tè với các huyện huyện Giang Thành, Lục Xuân (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) - các địa phương của nước bạn đã được đầu tư và phát triển rất tốt. Nếu được tỉnh, Trung ương đầu tư khu vực này sẽ trở thành vùng kinh tế cửa khẩu phát triển mạnh mẽ.
Chia tay Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ trong những cơn gió lạnh của chiều xuân biên giới, hình ảnh mốc 18 với ngã ba sông, ngã ba biên giới đẹp và hùng vĩ với nhiềm tiềm năng, lợi thế đã tạo cho tôi một niềm tin, tương lai không xa mốc 18 sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước để nơi sông Đà chảy vào đất Việt không chỉ là nơi khởi nguồn của một “dòng sông năng lượng” mà còn phát triển thành khu kinh tế của khẩu kết nối giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc và trở thành điển nhấn du lịch không chỉ của tỉnh Lai Châu mà cả nước.
Tin đọc nhiều
Hội thảo khoa học cấp tỉnh về văn học nghệ thuật Lai Châu – 50 năm Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển

Lễ hội Hoa Lan năm 2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 4/4

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
Cả một trời trắng muốt hoa ban

Trekking chinh phục đỉnh hoa Đỗ Quyên - Sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Lai Châu

Hội thi ẩm thực dân tộc, giã bánh giầy và thi nấu thắng cố
Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường lần thứ II, năm 2025

Lai Châu - Miền quê đáng sống!








