

Lai Châu - nơi đã gắn bó, nuôi dưỡng tôi suốt một phần tư thế kỷ. Quãng đường hơn 400km từ Hà Nội đến Lai Châu dường như ngắn lại. Sau gần mười tiếng đồng hồ, khi xe đến đỉnh đèo Giang Ma, thị xã Lai Châu hiện ra trong tầm mắt, thật mới lạ, song thật gần gũi, thân thương. Trong tôi, cứ văng vẳng những câu thơ quen thuộc:
Trái tim đập không một ai nhìn thấy,
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu...
(“Gửi Lai Châu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo)
Lai Châu xưa, là nơi núi cao rừng thẳm, xa xôi nghìn trùng. Nhưng, từ ngàn xưa, cha ông ta đã đổ bao xương máu để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Lịch sử còn ghi, năm 1431, vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) dẫn hai cánh quân thủy và bộ lên vùng đất hoang rậm này để dẹp tù trưởng Cát Hãn làm phản và chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh, giữ yên bờ cõi. Sau khi ngược sông Đà, thắng trận trở về, tháng chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1/1432), Lê Lợi đã khắc bút tích trên bia đá (bia Lê Lợi) nhằm răn đe những kẻ làm phản nơi phên giậu của Tổ quốc, khẳng định chủ quyền quốc gia. Bia Lê Lợi đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1981.
![]() |
Khu trung tâm Hành chính, Chính trị tỉnh. Ảnh: PHAN LÂM |
Ngày nay, Lai Châu có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Là vùng đầu nguồn rộng lớn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, Lai Châu còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, trực tiếp là các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà và vùng châu thổ sông Hồng.
Nhớ lại, ngày mới chia tách, thành lập (1/1/2004), các cơ quan của tỉnh, với hàng nghìn cán bộ từ thành phố Điện Biên Phủ (nay thuộc tỉnh Điện Biên) và từ các huyện về đóng tại thị trấn nhỏ đơn sơ, yên tĩnh của huyện miền núi Tam Đường. Với nền kinh tế xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế kém phát triển, Lai Châu là tỉnh khó khăn nhất nước. Lúc ấy, tỉnh có 88 xã, thị trấn thì 74 xã đặc biệt khó khăn; hơn 63% số hộ đói nghèo. Lai Châu có 5 dân tộc đặc biệt khó khăn với gần 100% số hộ đói nghèo là: Mảng, La Hủ, Si La, Khơ Mú, Cống... Tất cả mới bắt đầu. Bao công việc bộn bề cùng lúc.
Làm thế nào để tỉnh sớm ổn định và phát triển, đó là câu hỏi cần ngay lời giải đáp. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh họp bàn, lo từ chỗ ăn, ở cho cán bộ; nơi làm việc tạm thời của các cơ quan, đơn vị; đến định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hướng về cơ sở, ngay trong thời gian ấy, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004 - 2010. Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo các cấp được thành lập. Cán bộ được cử về cùng ăn, cùng ở, cùng làm và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào các xã đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, cho con em đến trường học chữ, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước nâng cao đời sống...
Tết Nguyên đán đầu tiên trên tỉnh mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh về các xã vùng cao, biên giới chúc tết, động viên đồng bào. Bí thư Tỉnh ủy Phạm Ngọc Thiểm về các xã: Bản Hon, Bản Giang, Khun Há (huyện Tam Đường) và Đồn Biên phòng 281 (huyện Phong Thổ). Trong cái rét căm căm của vùng cao, được Bí thư Tỉnh ủy đến tận nhà ân cần thăm hỏi, động viên, tặng quà, nhiều cụ già, thân nhân gia đình chính sách là người dân tộc Lự, dân tộc Mông, tay nắm tay Bí thư, mắt rưng rưng, miệng cười móm mém, bày tỏ: “Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được gặp Bí thư Tỉnh ủy đấy. Bí thư lo cho dân, Đảng lo cho dân thế này, Đảng bảo gì, dân chúng tôi bảo nhau làm theo thế vậy thôi!”. Còn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 281 thì vây quanh Bí thư, vui mừng, gần gũi và thân thiết. Chia tách tỉnh, là để Đảng gần dân, gần cơ sở. Đảng đã và đang ở trong dân, từ những việc làm giản dị như vậy!
Rồi các nghị quyết về chủ trương, chính sách có tính đột phá, khai thông của tỉnh liên tiếp được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành. Từ chính sách thu hút cán bộ, thu hút đầu tư, nhiều cán bộ trẻ, sinh viên mới ra trường trong cả nước tụ hội về chung tay góp sức xây dựng Lai Châu. Hơn 500 doanh nghiệp cũng quy tụ đầu tư hiệu quả với hơn 100 dự án, số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó các lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Lai Châu là xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, trồng cây cao su, phát triển rừng. Lai Châu đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; cơ bản hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch ngành và lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...
Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ngoài tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; vận động quần chúng, thì công tác tổ chức - bộ máy, cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát được Tỉnh ủy coi trọng. Đến nay Đảng bộ Lai Châu đã xóa 151 thôn, bản “trắng” đảng viên, thành lập mới 460 chi bộ thôn, bản; kết nạp 8.288 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 16.232, trong đó 10.419 đảng viên nông thôn, 4.024 đảng viên nữ, 8.581 đảng viên người dân tộc. Đó là cơ sở, là lực lượng chính “gùi” chủ trương, chính sách của Đảng, của tỉnh về với người dân và tổ chức thực hiện để biến các chủ trương, chính sách đó thành hiện thực cuộc sống. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát khá toàn diện, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh...
Nhờ ý Đảng hợp lòng dân, dân tin Đảng, trong suốt những năm qua, đồng bào 20 dân tộc Lai Châu luôn đoàn kết, đi theo Đảng, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cũng nhờ vậy, các chương trình, dự án của tỉnh đều được triển khai, thực hiện tốt. Việc di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La được nhân dân toàn tỉnh hưởng ứng, nên Lai Châu đã hoàn thành trước một năm so với kế hoạch. Các bản mới dựng lên với những ngôi nhà khang trang, người dân đã bước đầu ổn định cuộc sống, sản xuất. Các công trình thủy điện: Huội Quảng, Bản Chát, Lai Châu đang được xây dựng, với sự hợp tác tích cực của nhân dân, khai thác thế mạnh của tỉnh, một ngày kia sẽ đóng góp điện năng, làm giàu cho đất nước. Người dân các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè hưởng ứng chương trình phát triển cây cao su của tỉnh, đã hiến hàng nghìn héc-ta đất, góp công, để trồng, chăm sóc 7.000ha cây cao su. Màu xanh của cao su trong bạt ngàn màu xanh cây rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng của Lai Châu đạt 41%, tăng 9,3% so với năm 2005. Rồi người dân cùng nhau thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng cánh đồng 40 - 50 triệu đồng/ha ở Mường Than (huyện Than Uyên), Bình Lư (huyện Tam Đường), Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ); nuôi, trồng giống mới năng suất cao...
Lai Châu hôm nay thực sự đã thay da đổi thịt. Thị xã Lai Châu được đánh giá là một trong những đô thị có quy hoạch đẹp. Các công sở, công trình công cộng, nhà ở của cán bộ, nhân dân đã, đang mọc lên bên Đại lộ Lê Lợi, đường 58m và các đường phố khác của thị xã, như những nét vẽ điểm tô cho bức tranh trung tâm tỉnh lỵ ngày càng tươi tắn, hiện đại, với một vẻ đẹp riêng có. Các trung tâm huyện lỵ mới: Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Hơn 300km đường quốc lộ, hơn 200km đường tỉnh lộ được nâng cấp...
Nhờ khai thác sức mạnh tổng hợp, hàng năm, kinh tế Lai Châu tăng trưởng bình quân 13%, đảm bảo an ninh lương thực, bình quân lương thực đầu người đạt 400kg/năm; cơ bản xóa xong nhà tranh tre, hộ đói không còn, bình quân mỗi năm giảm hơn 7% hộ nghèo. Mức sống của người dân từng bước được cải thiện. Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới. 97/98 xã của tỉnh đã có đường ôtô đến trung tâm xã; 87,4% số xã có điện lưới, 75% số hộ được sử dụng điện; 80% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 80% xã có điểm bưu điện văn hóa; 51% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, 92% hộ dân được nghe đài phát thanh, 82% được xem truyền hình... Những con số khô khan ấy, là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lai Châu trong suốt 7 năm qua.
Về với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Lai Châu hôm nay, mỗi người dân đều vui mừng trước cuộc sống mới đổi thay. Hiểu được, chỉ có Đảng và Bác Hồ đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, nên người dân càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nghe và làm theo Đảng.
Được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, nhân dân tích cực lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội, cùng nhau bảo vệ 273km biên giới Việt - Trung, xây dựng cuộc sống ấm no, yên bình. Đó chính là sức mạnh “biên giới lòng dân”, để Lai Châu luôn vững vàng nơi biên ải.
Trên các sườn núi, những cây ban rừng đang nhú nụ! Các đồi đào, mận vùng cao trút lá tự bao giờ, e ấp chờ ngày khoe sắc hồng, sắc trắng. Mùa xuân đang về! Những đồi chè đang nảy lộc; những cánh đồng lúa xanh non; những đồi cao su đang vươn lên mạnh mẽ trong nắng mưa, sương gió đại ngàn; những công trình thủy điện đang ngày đêm rộn rã... Tất cả đang góp phần tô thắm cho non nước, con người Lai Châu.
Tạm biệt Lai Châu, lại hẹn những lần trở về! Còn nhiều khó khăn lắm, nhưng Lai Châu luôn xứng với niềm tin của cả nước, giữ vững một vùng phên giậu quan trọng, góp phần cho những mùa xuân đất nước mãi mãi trường tồn. “Gửi Lai Châu” lại da diết ngân lên trong tôi:
Em đứng đó mây ven trời vô kể
Để suốt đời, anh mắc nợ Lai Châu!
Tin đọc nhiều

Huyện Than Uyên: Dông, lốc làm sập 7 ngôi nhà

Khánh thành và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa
“Công nghệ mở lối - Giáo dục bứt phá”

Kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại thành phố Lai Châu

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính








