

Bà Sùng Thị Sầu (dân tộc Mông ở bản Làng Mô, xã Làng Mô) có kinh nghiệm gần chục năm đi rừng lấy các loại cây dược liệu, nở nụ cười tươi: “Nghe ông, bà xưa kể lại, chè dây thường mọc ở trên rừng, nơi có địa hình đồi núi cao, trước đây bà con chỉ biết lấy về nấu nước uống chứ không biết cây chữa được bệnh. Khi trong bản có người thường xuyên đau bụng mà chăm chỉ uống lá cây này đã cắt được cơn đau, từ đó người dân thường dùng cây chè dây để chữa các bệnh về đường ruột và tiêu hóa. Mấy năm trở lại đây, người dân đã biết tác dụng của loại cây này nên bà con lấy về bán được giá cao. Cây chè dây thường có nhiều vào khoảng tháng 4 - 6 trong năm. Để lấy được nó vất vả lắm! Vì cây chủ yếu mọc ở trên rừng, đồi núi cao. Đi rừng tìm cây chè dây vào mùa khô vất vả bao nhiêu thì mùa mưa vất vả gấp đôi vì đường trơn trượt nguy hiểm, mưa nắng thất thường, trời lạnh, sương mù nhiều nên rừng càng ẩm ướt, những người không có kinh nghiệm đi rừng dường như bó tay”.
Bà Bùi Thị Sánh (ở khu 2, thị trấn Sìn Hồ) phơi và bảo quản chè dây.
Biết chúng tôi tò mò về loại cây rừng này, bà Sầu cho biết thêm: Cây chè dây là một loại cây leo, thân và cành cứng, mép lá có răng cưa, khi lá khô mặt trên có những vết trắng loang lổ như bị nấm mốc. Cây mọc hoang ở trong rừng, người dân thường hái toàn thân (lá và cành) vào lúc cây chưa có hoa quả, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao qua rồi hãm với nước sôi như pha trà uống thay nước hàng ngày. Chè dây phơi khô có mùi thơm nhẹ. Nước có mùi thơm, vị ngọt đắng, uống rất dễ chịu. Đặc biệt, cây chè dây ở Làng Mô được thương lái ưa chuộng, thu mua nhiều với giá cao hơn. Làng Mô là một trong những xã cao nhất, nhì huyện, khí hậu thấp hơn so với những xã khác nên cây chè dây ở đây có độ ngọt, thơm hơn.
Để chế biến cây chè dây thành sản phẩm, người dân đã phải khéo léo trong từng công đoạn từ chọn cây, sao, vò, ủ và phơi khô. Bà Bùi Thị Sánh - chủ cơ sở bán lá thuốc và tắm bằng lá thuốc, bấm huyệt (khu 2, thị trấn Sìn Hồ) đã sinh sống trên Sìn Hồ hơn 20 năm và có kinh nghiệm chế biến các loại cây dược liệu cho biết: “Để có được sản phẩm chè dây thơm ngon, khi hái về cây phải được sơ chế ngay để đảm bảo độ tươi. Chọn những cây to, lá xanh sau khi rửa sạch đem chặt từng khúc nhỏ tầm 3 - 5cm cho vào sao. Khi sao chè nên sao trên bếp củi nhỏ lửa, vừa sao vừa vò chè. Khi chè đã đạt độ chín nhất định, thì đem ủ 1 đêm và mang ra phơi khô từ 1 - 2 nắng là có thể thành sản phẩm”.
Được biết, khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công và độ ngon của chè dây là khâu vò chè. Người chế biến phải dùng tay vò chè, vò càng lâu chè càng ra nhựa. Khi khô nhựa sẽ tạo ra lớp phấn trắng trên những cọng chè, chè càng nhiều phấn thì nước chè hãm ra càng ngon, tạo nên đặc trưng của chè dây Sìn Hồ. Khi uống chè dây ban đầu có vị hơi đắng, sau đó là vị ngọt thanh làm kích thích người uống.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, chè dây có giá trị cao về kinh tế và dược liệu. Loài cây này được các nhà khoa học nghiên cứu và đánh giá là cây có nhiều tác dụng như: diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit trong dạ dày, giúp cho bệnh loét dạ dày dễ liền sẹo; cắt cơn đau do viêm loét hành tá tràng, sưng dạ dày; thanh nhiệt cơ thể, giải độc, mát gan. Ngoài ra, chè dây còn có tác dụng an thần, dễ ngủ. Với giá bán trung bình từ 120 - 150 nghìn đồng/1kg chè dây khô. Trung bình mỗi tháng một gia đình có thể lấy được hơn 100kg, thu về gần 2 triệu đồng. Đầu ra của sản phẩm lại rất ổn định, ngoài thương lái của tỉnh ta, các tỉnh dưới xuôi cũng thu mua cây chè dây tươi và chè dây đã thành sản phẩm.
Với những lợi ích về dược liệu và kinh tế do chè dây mang lại, cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ đã tuyên truyền, vận động người dân tận dụng nguồn dược liệu sẵn có của địa phương để xây dựng thương hiệu cho chè dây nói riêng và cây dược liệu trên Sìn Hồ nói chung. Cùng với đó, khuyến khích người dân nên gắn việc thu hái với phục hồi, phát triển bằng cách nhân rộng các mô hình trồng cây chè dây và hình thành vùng trồng cây dược liệu tập trung để tạo nguồn dược liệu ổn định, mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, chữa bệnh bằng các loại cây dược liệu, bài thuốc truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. Qua đó, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần đẩy lùi đói nghèo.
Tin đọc nhiều

Trường Mầm non Sùng Phài: Đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1
Phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2025

Lấy ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

Trao tặng tủ sách HOU cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh

Học tập, trao đổi nghiệp vụ làm báo tại Báo Nam Định

Kịp thời cứu sống người đàn ông bị ngộ độc do ăn nấm lạ
Tuyên dương, khen thưởng nhà giáo, học sinh đạt thành tích cao năm học 2024-2025

Báo Lai Châu học tập, trao đổi nghiệp vụ làm báo tại Báo Thanh Hóa





