

Bức thư Bác Hồ viết ngay trong ngày thị trấn Lai Châu được giải phóng, rất ngắn gọn, rõ ràng, khoảng 236 từ, nhưng trong đó chứa đựng đầy tình cảm yêu thương, tinh thần trách nhiệm, động viên, chia sẻ, dặn dò và cảm thông sâu sắc trước những khó khăn, gian khổ mà đồng bào và cán bộ Lai Châu phải gánh chịu hơn 80 năm áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bọn Việt gian, tay sai, phản động.
Mở đầu Bức thư Người viết: “Thân ái gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu! Đã hơn 80 năm nay, đồng bào tỉnh nhà bị thực dân Pháp và Việt gian phản động áp bức, bóc lột, lừa bịp; chưa hề được hưởng hạnh phúc, độc lập, tự do như đồng bào các nơi khác. Tôi và Chính phủ luôn luôn thương xót đồng bào”. Lai Châu là tỉnh nghèo, nhiều dân tộc, nằm ở phía Tây Bắc nơi miền biên viễn của Tổ quốc, giao thông cách trở, thông tin, đi lại còn vô vàn khó khăn, qua những lời trong Thư cũng đủ biết, Đảng và Bác Hồ luôn dõi theo từng bước tiến của cách mạng Lai Châu, quan tâm lo lắng, nhớ thương đồng bào đang trong cảnh đói nghèo, địch họa. Nhân ngày giải phóng, Bác thay mặt Chính phủ ân cần gửi lời chia sẻ, thăm hỏi, động viên đồng bào và cán bộ Lai Châu: “Ngày nay, đồng bào đã được bộ đội Chính phủ giải phóng khỏi ách thực dân và phản động; tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời hỏi thăm đồng bào và cán bộ”. Đúng là những lời thăm hỏi, động viên đầy tình yêu thương và trách nhiệm.
Người dân huyện Mường Tè làm theo lời dạy của Bác Hồ đã chung sức xây dựng đường giao thông nông thôn.
Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết kháng chiến, kiến quốc, đặc biệt là không được chủ quan sau khi giành thắng lợi và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau giải phóng, Người viết: “Sau đây tôi có mấy lời dặn đồng bào và cán bộ ghi nhớ và làm cho đúng” và căn dặn bốn việc cần phải làm và làm cho đúng sau giải phóng: (1) Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau. (2) Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự. (3) Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no. (4) Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đạo đức sáng ngời, lòng nhân ái, bao dung, vị tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong thư đó là không quên nhắc nhở những người phạm tội: “Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng”. Riêng đối với cán bộ, ngoài những nhiệm vụ phải làm trên, Người dặn thêm: “Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết”. Cuối Thư Người rất lạc quan, tin tưởng và giao nhiệm vụ: “Chúc đồng bào và cán bộ mạnh khỏe và cố gắng”.
Thị trấn Lai Châu được giải phóng, điều này đã khẳng định đường lối kháng chiến, kiến quốc và vai trò lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, Bác Hồ. Quan trọng hơn là minh chứng rõ đồng bào các dân tộc Lai Châu một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, ý nguyện, khát vọng độc lập tự do để làm chủ quê hương, đất nước đang nung lên trong mỗi người dân các dân tộc Lai Châu. Bức thư của Bác đến với đồng bào và cán bộ Lai Châu không chỉ chia sẻ, hỏi thăm mà như là một lời hiệu triệu, tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, cống hiến sức lực, của cải cùng quân dân cả nước thực hiện công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
Đã hơn 67 năm đi qua, lịch sử tỉnh nhà đã bước sang trang mới, nhưng những lời căn dặn trong Thư Bác vẫn còn y nguyên giá trị. Khắc ghi lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu nguyện thực hiện và làm theo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và kim chỉ nam cho mọi hành động. Sau giải phóng, Lai Châu tập trung tăng gia, sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân, huy động toàn dân toàn diện tham gia kháng chiến và đã cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với tinh thần “tất cả cho tuyền tuyến”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, từ năm 1954 - 1975, Lai Châu luôn là hậu phương vững chắc, đóng góp nhiều sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Sau khi đất nước được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Lai Châu tập trung khôi phục kinh tế, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết 22/2003/QH11 của Quốc hội (khóa XI), ngày 01/01/2004, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Kể từ đây, hai tỉnh bắt đầu bước sang trang mới và có những bước tiến vượt bậc. Sau hơn 15 năm chia tách và thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Lai Châu (mới) đã giành được nhiều thành tựu rất quan trọng, kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách trên địa bản tăng cao (hơn 30 lần so với 2004). Nhiều lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp - lâm nghiệp phát triển mạnh. Nhiều tiềm năng, lợi thế được khai thác và phát huy như: thủy điện, bảo vệ rừng, quan hệ mậu dịch biên giới... Lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin, tuyên truyền, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tiến bộ. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được tăng cường. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn và nâng cao. Nổi bật nhất là hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ như: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, các công trình thủy điện, các đô thị, điểm du lịch và trung tâm kinh tế... Qua đó, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh đồng bằng và miền núi, giữa các dân tộc và vùng, miền.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2020) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, tri ân công lao trời biển của Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do, vì mảnh đất thiêng liêng Lai Châu nơi phên dậu của Tổ quốc. Nhớ lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu nguyện suốt đời theo Đảng; nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phát triển du lịch bền vững

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, quần chúng noi theo

Viết bằng niềm tin và trách nhiệm

Học Bác để đổi mới và lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết

Nỗ lực xây dựng quê hương Bình Lư phát triển giàu đẹp

Học theo Bác bằng việc thật, người thật, hiệu quả thật

Nhân rộng điển hình từ nhiều cách làm hay, sáng tạo

Tam Đường: Nâng cao hiệu quả phát hiện, bồi dưỡng và lan tỏa điển hình trong học tập và làm theo Bác










