

Thực hiện chuyển đổi số, người dân xã Mường Than có thể theo dõi tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công trên điện thoại
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mường Than, người dân không còn phải đi lại nhiều lần hay chờ đợi lâu để giải quyết thủ tục hành chính như trước. Nhờ ứng dụng các phần mềm, cổng dịch vụ công trực tuyến và chữ ký số, toàn bộ quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đều được thực hiện trên môi trường mạng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả công việc.
Anh Vùi Văn Rin (công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã) chia sẻ: “Việc triển khai phần mềm quản lý văn bản và cổng dịch vụ công trực tuyến giúp hoạt động quản lý hành chính trở nên minh bạch, công khai, nhanh chóng hơn. Các giao dịch hành chính hiện nay đều áp dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử. Từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, 100% hồ sơ được số hóa. Người dân không cần đến trụ sở nhiều lần, mà có thể theo dõi tiến độ giải quyết ngay trên điện thoại di động. Với điều kiện đặc thù của địa phương, đây là thay đổi có tính bước ngoặt, giúp bà con không phải chờ đợi lâu như trước”.
Hiện nay, chuyển đổi số còn lan tỏa mạnh mẽ đến từng hộ gia đình, bản, khu dân cư. Trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, người dân Mường Than bắt đầu tận dụng công nghệ mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản. Trước đây, các sản phẩm như: rau xanh, thịt sấy, gạo, mật ong… bà con làm ra chủ yếu tiêu thụ tại chợ trung tâm xã. Nhưng nay, nhiều hộ mạnh dạn sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok quảng bá và bán hàng, thu hút đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh xem, đặt mua. Toàn xã hiện có 6 hợp tác xã và gần 100 hộ kinh doanh đang áp dụng công nghệ số trong hoạt động thương mại.
Chị Lò Thanh Xuân - Giám đốc Hợp tác xã Mường Mít tâm sự: “Ngày trước, các sản phẩm mật ong của chúng tôi đều sản xuất số lượng ít, quy mô nhỏ, tiêu thụ chậm do hạn chế về quảng bá. Chuyển sang hình thức bán hàng online, lượng khách tăng rõ rệt. Nhờ kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, sản phẩm không những bán chạy hơn mà còn nâng cao giá trị.
Giáo dục cũng là lĩnh vực có sự chuyển biến tích cực từ ứng dụng công nghệ. Tại các trường học trên địa bàn xã, giáo viên đã quen sử dụng bài giảng điện tử, máy chiếu, chia sẻ tài liệu học tập qua các nền tảng trực tuyến. Học sinh được tiếp cận công cụ tra cứu, học online khi cần thiết. Từ sau đại dịch Covid-19, việc dạy và học trên môi trường số đã không còn xa lạ với thầy - trò nơi đây. Nhiều kỹ năng số trở thành một phần thiết yếu trong dạy và học. Ở các bản cũng đang thay đổi cách tiếp cận thông tin. Từ các buổi họp dân, truyền thanh cơ sở, chính quyền bản thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền về an toàn mạng, kỹ năng dùng điện thoại thông minh, cách nhận biết tin giả và phòng tránh lừa đảo trên mạng xã hội. Những kiến thức này được truyền đạt bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với người dân.
Một điểm sáng trong hành trình chuyển đổi số của Mường Than chính là sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các tổ công nghệ cộng đồng. Đây là lực lượng nòng cốt “cầm tay chỉ việc” giúp bà con tạo tài khoản dịch vụ công, hướng dẫn bán hàng online, xử lý các thao tác cơ bản trên điện thoại (chụp ảnh, gửi file đến mở ứng dụng tra cứu). Nhờ đó, khoảng cách số giữa chính quyền và người dân, giữa người trẻ và người cao tuổi đang dần thu hẹp.
Anh Hoàng Phi Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Mường Than khẳng định: Chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công, còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh những kết quả bước đầu, xã vẫn đang đối mặt với một số khó khăn như: hạ tầng mạng chưa ổn định tại các bản vùng xa; người cao tuổi e ngại tiếp cận công nghệ; thiếu nhân lực hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, với sự đồng hành của chính quyền cấp trên cùng tinh thần chủ động, tích cực hưởng ứng của người dân, Mường Than đang từng bước tiến gần đến mục tiêu xây dựng nông thôn số. Đặc biệt, đến nay tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn giảm xuống còn hơn 10%. Đây không chỉ là thành quả của công tác giảm nghèo, còn là minh chứng cho hiệu quả của quá trình “chuyển mình” toàn diện, trong đó chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng, mở hướng phát triển bền vững cho địa phương.

Đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số, mạng xã hội

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024: Vượt mục tiêu đề ra

Sức trẻ trong phong trào “Bình dân học vụ số”

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Lai Châu và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Hơn 214 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng định danh cá nhân, căn cước công dân

“Đổi mới, sáng tạo, vươn xa"

VNPT Lai Châu đào tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả








