

Là một trong những sự kiện chính của Lễ hội nên Hội chợ thương mại nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn trên địa bàn. Từ không gian rộng, bằng phẳng, thuận tiện đến sự tham gia của hơn 50 gian hàng của doanh nghiệp Trung Quốc, tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào), 10 xã, thị trấn trong huyện, thành phố Lai Châu, huyện Tân Uyên, Than Uyên, thành phố Điện Biên, tiểu thương trong và ngoài huyện...
Với mục đích quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm kích cầu và tăng cường xúc tiến thương mại, huyện yêu cầu các xã, thị trấn chủ động lựa chọn sản phẩm, lời giới thiệu và nhân lực tham gia Hội chợ. Chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện phối hợp, liên hệ với các địa phương trong huyện cũng như tỉnh Lai Châu, huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và huyện Nhọt U (tỉnh Phông Sa Lỳ) tham gia các gian hàng.
Nhờ công tác tuyên truyền, thông tin sâu rộng mục đích, ý nghĩa cũng như điểm mới tại Hội chợ cộng với thời điểm chuẩn bị tết Nguyên đán Canh Tý, sự kiện Lễ hội ném còn nên ngay ngày đầu khai mạc, Hội chợ thu hút đông đảo Nhân dân, đại biểu, du khách trong và ngoài huyện ghé thăm, mua sắm. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, gian hàng của các địa phương huyện Mường Tè, thành phố Điện Biên sôi động không khí mua sắm.
10 gian hàng của 10 xã, thị trấn huyện Mường Tè như phiên chợ vùng cao thu nhỏ bởi đa dạng sắc màu từ trang phục truyền thống nổi bật của dân tộc Thái, Cống, La Hủ, Si La... đến nhiều sản phẩm đặc trưng: tinh dầu sả, măng khô, củ cải, thịt lợn treo gác bếp, hạt dổi, khoai sọ, mật ong, da trâu nướng, ớt trung đoàn. Các mặt hàng nông sản được trưng bày, giới thiệu và bán đều sản xuất theo hình thức thủ công và khá lạ khiến khá nhiều du khách tò mò, lựa chọn mua làm quà.
Du khách và Nhân dân chọn mua ớt trung đoàn tại gian hàng của xã Thu Lũm.
Ông Nguyễn Viết Huy (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: Tôi cùng gia đình lên thành phố Lai Châu chơi với người thân và quyết định ghé thăm Mường Tè dự Lễ hội ném còn. Đi một vòng Hội chợ, tôi phải dừng lại rất lâu ở các gian hàng của các xã trong huyện. Bởi, có quá nhiều sản phẩm nông sản được bà con thu hái trong rừng (mật ong, hạt dẻ, hạt dổi,...), chế biến thủ công (măng, tinh dầu sả...) và tự trồng: khoai sọ, ớt trung đoàn, củ cải, gạo nếp cẩm. Sau khi được tư vấn công dụng, giới thiệu tỷ mỷ các mặt hàng, tôi chọn mua ớt, hạt dổi và mật ong về dùng và làm quà cho người thân. Tôi cũng lưu số điện thoại của các xã để về giới thiệu với bạn bè, khi có nhu cầu sẽ liên hệ đặt mua.
Còn chị Hoàng Thị Trâm (thành phố Lai Châu) lại lựa chọn chai tinh dầu sả nguyên chất và khoai sọ của xã Thu Lũm và Ka Lăng. Chị Trâm cho biết: Mình thường sử dụng tinh dầu sả giữ ấm cơ thể cho con trong mùa đông. Mặc dù ngoài thành phố sản phẩm này không thiếu nhưng thường qua công nghệ xử lý và khó mua tinh dầu nguyên chất (trừ khi đặt). Nhân chuyến công tác tại huyện, mình chọn mua một chai tinh dầu sả của gia đình chị Mỳ Nhung (chuyên sản xuất tinh dầu sả, gian hàng xã Thu Lũm).
Theo lời giới thiệu của đại diện các gian hàng, nhờ khác biệt về điều kiện tự nhiên nên một số sản phẩm khác biệt rõ nét về màu sắc, hương vị cũng những tác dụng đối với sức khỏe. Nói như chị Pờ Cố Phương (bản Sì Thâu Chải, xã Kan Hồ), mật ong rừng của Kan Hồ đã có tiếng từ lâu bởi đồng bào Si La chúng tôi thường đi lấy trong rừng sâu-khu vực có nhiều hoa lá ngón. Loại mật đó có mùi thơm đặc trưng, đặc sánh và trị ho cho trẻ nhỏ rất tốt. Các gia đình trong bản tôi đều duy trì thói quen chữa ho bằng mật ong, có cháu chỉ cho uống 1 đến 2 giọt trong vài lần là khỏi. Từ trước đến nay, mật ong chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và bán tại xã. Đã có nhiều người dân ghé thăm gian hàng nên tôi tin sau Hội chợ, sản phẩm mật ong của xã sẽ bán với số lượng và giá thành cao hơn.
Tham dự Hội chợ, huyện Giang Thành tham gia 5 gian hàng và tỉnh Phông Sa Lỳ 1 gian hàng. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu hầu hết là sản phẩm đặc trưng: chè, rượu, một số đồ dùng bằng gốm sứ, thủy tinh... Theo anh Ping Luổng Pha Kan (tỉnh Phông Sa Lỳ), chúng tôi có rất nhiều sản phẩm muốn mang đến giới thiệu với bạn bè Trung Quốc, Việt Nam nhưng giao thông khó khăn, phương tiện hạn chế nên không thể. Tuy nhiên, các sản phẩm: mật ong, chè, rượu trưng bày hôm nay đều đã có thương hiệu. Hy vọng, chúng tôi có thể tiếp cận với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã để trao đổi, tạo cơ hội hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.
Giá cả phải chăng, đa dạng mẫu mã, các sản phẩm quần áo, giày dép, đồ dùng sinh hoạt, đồ điện tử thu hút rất đông đảo Nhân dân trong huyện tham quan, mua sắm.
Với cách làm mới nhằm kích cầu kinh tế vùng biên, những gì chúng tôi được nghe và được thấy, tin chắc thời gian tới sẽ có rất nhiều sản phẩm đặc trưng của các dân tộc huyện Mường Tè vượt khỏi những dãy núi cao vươn ra biển lớn.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







