

Trên cánh đồng xã San Thàng, anh Hà Quốc Chỉnh – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật thị xã đang hướng dẫn bà con cách phòng, chống bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa, anh Chỉnh cho biết: “Vụ mùa năm nay, thị xã trồng 490ha lúa. Đến giai đoạn đứng cái – đẻ nhánh rộ, ôm đòng – trỗ bông thì có hiện tượng khô táp và cháy lá (biểu hiện của bệnh đốm sọc vi khuẩn). Trạm đã cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra và nhận thấy diện tích bị nhiễm nhiều nhất là ở khu vực xã San Thàng, phường Đông Phong trên các giống lúa: Nghi hương 2308, Tạp giao”.
Cũng theo anh Chỉnh thì bệnh nhiễm sọc vi khuẩn do vi khuẩn hình gậy ngắn gây ra. Loại vi khuẩn này được lan truyền qua hạt giống và xâm nhiễm vào cây, phát triển trong nhu mô lá, lan nhanh sau các trận mưa giông và bão. Bệnh gây hại mạnh trên các diện tích lúa người dân bón phân không cân đối (tỷ lệ đạm nhiều). Đặc biệt phát triển mạnh vào mùa hè, trong điều kiện nóng ẩm, nhiệt độ cao. Người dân có thể nhận biết triệu chứng bệnh đốm sọc vi khuẩn như: vết bệnh là những sọc nhỏ ngắn khác nhau chạy dọc giữa các gân lá. Thời kỳ đầu vết bệnh có màu xanh tái, sau chuyển sang màu nâu và trên vết bệnh xuất hiện nhiều giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục. Ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng nhìn từ xa có màu vàng cam, sau chuyển sang màu vàng nâu và gây chết lúa. Bệnh nhiễm sọc vi khuẩn nếu không được phòng trừ không chỉ hại lúa chết, làm mất năng suất vụ mà còn tồn dư mầm bệnh ở những vụ sau.
Người dân xã San Thàng phun thuốc Ải Vân 6,4SL trên diện tích lúa chớm nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa.
Được biết ở những khu vực có diện tích bệnh đốm sọc vi khuẩn diện rộng, cán bộ kỹ thuật của Trạm đã hướng dẫn người dân áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật: ngừng bón các loại phân (nhất là phân đạm) và các thuốc kích thích sinh trưởng lá. Sử dụng 1 số thuốc hóa học để phòng trừ bệnh như: pha 2 gói thuốc Ải Vân 6,4SL loại 10ml hoặc 2 gói Starwiner 20WP loại 10gram với bình 18 lít nước và phun 3 bình/1.000m2. Với diện tích nhiễm bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần thứ 2 cách lần thứ nhất 5 – 7 ngày.
Để bảo vệ ruộng lúa của gia đình mình, nhiều người dân cũng tìm đến các Đại lý thuốc bảo vệ thực vật có uy tín trên địa bàn thị xã như: Đại lý thuốc Bảo vệ thực vật ngã ba Duy Phong, chợ San Thàng (thuộc xã San Thàng), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh để được tư vấn thuốc ngăn ngừa bệnh đốm sọc vi khuẩn.
Nhờ phát hiện diện tích nhiễm bệnh và bà con triển khai phòng trừ bệnh sớm nên những phần lá lúa trổ sau không còn bị nhiễm bệnh. Theo đánh giá của các cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật thị xã thì bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa sẽ không bị lây lan sang các diện tích khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi từ phía thời tiết (mưa kéo dài nên không phun thuốc trừ vi khuẩn được hoặc khi mới phun xong thì trời đổ mưa kéo dài) nên có khoảng 3 – 4ha lúa có thể bị thiệt hại.
Ông Lù Văn Viễn – bản Tả Sin Chải 2 (xã San Thàng) phấn khởi nói: “Ngay sau khi diện tích lúa của gia đình bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật thị xã đã hướng dẫn gia đình tôi cùng bà con phun thuốc kịp thời nên 1.000m2 lúa Nghi hương 2308 của gia đình tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi chặt đồng ruộng để đảm bảo năng suất đạt theo dự kiến đề ra từ 4,5 – 6 tạ/1.000m2”.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và ý thức phòng trừ sâu bệnh từ phía người dân, hy vọng vụ mùa năm nay ở thị xã Lai Châu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều đến năng suất do bệnh đốm sọc vi khuẩn hại lúa.
Tin đọc nhiều
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ









