

Buôn bán tại chợ Đoàn Kết đến nay đã hơn 15 năm, dịp tết này bà Nguyễn Thị Phượng chủ cửa hàng tạp hóa Hồng Phượng chỉ nhập khoảng 50% số lượng hàng so với trước. Nhập số lượng hàng ít, nhưng bà Phượng vẫn không khỏi lo lắng vì vắng khách. Bà Phượng cho biết: Thời điểm này gia đình tôi bán hàng chỉ bằng 1/10 năm ngoái, có thể nói năng suất bán hàng chậm nhất trong lịch sử kinh doanh của gia đình. Nếu những năm trước, các mặt hàng như măng miến, nấm, hướng dương mỗi loại tôi nhập từ 1 tạ trở nên thì năm nay nhập vài chục cân. Hay như mì chính năm ngoái tôi nhập 4 kiện thì năm nay tôi nhập 1 kiện. Hàng hóa không bán được nên tôi không dám nhập nhiều vì sợ ế ẩm.
Còn bà Lê Thị Liệu ở phường Quyết Tiến thì cho biết: Vào tháng chạp những năm trước, tôi thường vay ngân hàng 100 triệu đồng để lấy tiền nhập hàng hóa. Nhưng năm nay bán hàng ế ẩm, tôi vay ngân hàng có 30 triệu đồng, dù đã được ngân hàng tạo mọi điều kiện cho vay vốn với mức lãi suất thấp. Các sản phẩm hàng hóa phục vụ tết rất đa dạng, phong phú đáp ứng xu hướng người tiêu dùng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng do kinh tế suy thoái, người dân đã e dè, tiết kiệm trong chi tiêu. Do đó, tôi cũng không dám nhập hàng nhiều, đặc biệt là mặt hàng bia, rượu. Năm ngoái tôi nhập khoảng 60 kiện bia, nhưng do quy định về mức xử phạt nồng độ cồn, người dân ít sử dụng nên dịp tết này tôi nhập 40 kiện. So với mọi năm đây là lúc cao điểm mua sắm, nhưng đến giờ vẫn chẳng bán được là bao.
Cửa hàng tạp hóa vắng bóng khách mua hàng.
Dạo quanh chợ Trung tâm thành phố, chúng tôi thấy nhiều ki ốt bán quần áo đìu hiu vắng khách. Buôn bán ế ẩm nhiều tiểu thương ngồi lướt facebook, zalo hoặc nói chuyện gẫu với nhau. Gia đình chị Lý Thị Keng vốn nổi tiếng về kinh doanh trang phục truyền thống tại chợ Trung tâm bởi những năm trước đây mỗi khi trời đổi gió chuyển sang rét đậm rét hại, hoặc vào những ngày cuối năm người vùng cao thường đến cửa hàng chị mua sắm trang phục truyền thống với số lượng lớn nhưng đến nay khi cái tết đã cận kề, cửa hàng quần áo của chị Keng cũng không còn tấp nập như xưa. Chị Keng cho biết: Nếu như mọi năm thời điểm này, quầy hàng gia đình tôi rất đông khách mua, công việc bận rộn phải huy động mọi người trong nhà cùng bán mới kịp. Nhưng năm nay bán hàng chậm, tôi phải giảm giá sâu sản phẩm áo, váy, phụ kiện để thu hút khách. Tôi cũng không nhập thêm áo, váy bán dịp tết.
Chợ Trung tâm vắng khách mua hàng ngày cận tết.
Theo các tiểu thương, nếu những năm trước vào tháng chạp lượng khách mua hàng tết đông, bà con nhập hàng về liên tục để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ngay từ những ngày đầu. Nhưng năm nay tình hình kinh doanh khó khăn, buôn bán ế ẩm, sức mua yếu nên tiểu thương không dám dự trữ hàng tết nhiều bởi đối với một số mặt hàng đồ khô có hạn sử dụng ngắn dễ ẩm mốc, hoặc một số mặt hàng thường được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ vào dịp tết như mứt, hoa quả sấy khô thì các tiểu thương lấy không nhiều bởi lo tồn đọng vốn. Do đó, nhiều tiểu thương đã chọn thực hiện biện pháp an toàn là lấy hàng vừa đủ, bán hàng đến đâu nhập đến đó.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, những tiểu thương đang trông chờ vào sự chuyển biến của thị trường với hy vọng buôn may bán đắt để có thêm thu nhập lo cho gia đình được đủ đầy khi tết đến xuân về.

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

175 cán bộ Hội CCB tham gia tập huấn công tác giảm nghèo năm 2025

Khai mạc Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025

Tam Đường: Linh hoạt trong công tác giảm nghèo










