

Vụ trồng rừng năm nay, huyện Tân Uyên tiến hành trồng 650ha quế, sơn tra. Đảm bảo kế hoạch đề ra, ngay từ cuối tháng 4, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã cử cán bộ kỹ thuật phụ trách các xã xuống cơ sở đôn đốc bà con tích cực chăm sóc diện tích rừng trồng trước đó và đo đạc, tham mưu xây dựng, thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật… Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân các vùng dự án trồng rừng: Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít, Hố Mít, Mường Khoa đăng ký diện tích, giống cây. Riêng với diện tích 500ha quế tại xã Nậm Cần, Tà Mít, Nhân dân xã Nầm Cần bắt đầu trồng từ trung tuần tháng 5. Đến ngày 6/5, đối với cây quế, Nhân dân 2 xã đã phát dọn thực bì đạt 604ha đất (vượt hơn 100ha so với kế hoạch), cuốc hố 574ha và trồng 20ha; đối với diện tích cây sơn tra, Nhân dân đăng ký trồng 150ha, phát dọn thực bì 126ha, cuốc hố 93ha.
Nông dân bản Hua Puông (xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên) đào hố trồng quế.
Trao đổi về công tác chuẩn bị trồng rừng mới năm 2017, ông Nguyễn Văn Biển - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho chúng tôi biết: Theo kế hoạch giao, năm nay, toàn tỉnh tiến hành trồng mới trên 3.200ha rừng. Trong đó, Đề án trồng cây sơn tra là 371ha, Đề án quế 2.090ha, trồng rừng khác trên 800ha (lát hoa, thông mã vĩ, vối thuốc, mỡ, sa mộc, tống quá sủ, sấu và giổi xanh). Diện tích trồng quế tập trung chủ yếu ở huyện Sìn Hồ, Tân Uyên, Nậm Nhùn, Than Uyên và Mường Tè. Trong số 11 đơn vị đăng ký tham gia trồng rừng thì huyện Tân Uyên có diện tích lớn nhất. Theo thống kê, đến hết ngày 5/6, các địa phương, đơn vị đã phát dọn thực bì trên 2.790ha, cuốc hố 1.809ha và trồng 143,58ha; chuẩn bị 11 triệu cây giống, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng và thời gian gieo ươm theo quy định, số lượng cây thiếu đã đặt hàng với các đơn vị có uy tín.
So với năm 2016, diện tích rừng do Nhân dân đăng ký trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) tăng 2,3 lần và tập trung vào cây quế. Do vậy, số lượng cây giống ước tính khoảng 3,4 triệu cây (Ban đã chuẩn bị 1,5 triệu cây tại vườn ươm ở xã Nậm Tăm). Theo ông Nguyễn Ngọc Chỉnh - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Mạ, đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với trưởng bản tổ chức họp, vận động, tuyên truyền giúp bà con hiểu hơn về lợi ích của trồng quế: chống xói mòn đất, hiệu quả kinh tế bền vững… Tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng rừng ở tỉnh Yên Bái.
Quế cũng là cây trồng được nông dân huyện Nậm Nhùn ưu tiên lựa chọn đưa vào trồng trên phần lớn diện tích năm nay (400ha), còn lại là 100ha lát. Mặc dù công tác trồng rừng được người dân hưởng ứng nhiệt tình và tích cực tham gia các khâu đảm bảo kỹ thuật, tuy nhiên với diện tích lớn, trong khi người dân chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây quế là trở ngại và khiến trọng trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện càng thêm lớn để có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Với vai trò chủ lực trong công tác trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành nhiều văn bản, công văn chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trồng rừng các đề án đã được phê duyệt năm 2017. Trong đó, đề nghị các huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị trồng rừng tại thực địa (phương thức phát dọn thực bì, kỹ thuật phát, cuốc, lấp hố đúng kỹ thuật), trường hợp thực hiện sai phương thức, kỹ thuật yêu cầu các hộ nhận khoán chỉnh sửa, hoàn thiện lại trước khi tiến hành trồng. Đối với công tác trồng, chỉ đạo các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng cây giống đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng theo các đề án đã được phê duyệt.
Ông Biển cho biết thêm, hiện nay các địa phương đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân và chuẩn bị sản xuất vụ mùa nên việc bố trí nhân lực thực hiện các công đoạn trồng rừng chắc chắn gặp khó khăn. Trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, đầu mùa đã có mưa nên Sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường vận động nông dân tranh thủ thời gian, bố trí công việc đồng áng hợp lý tiến hành trồng rừng đảm bảo đúng lịch và tỷ lệ cây sống cao.
Ngoài chính sách hỗ trợ cây giống, tiền thuê nhân công cùng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, tin rằng mùa trồng rừng năm nay của tỉnh sẽ đảm bảo tiến độ, mùa vụ (kết thúc trước ngày 31/7) và đạt hiệu quả, chất lượng cao.
Tin đọc nhiều
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ









