Độc đáo nghệ thuật tạo hình trên trang phục
Sắc màu đỏ tươi chủ đạo làm trang phục người Hà Nhì luôn rực rỡ. Trong ảnh: Cô gái Hà Nhì Chu Mỳ Nhung, xã Ka Lăng (huyện Mường Tè).
Nghệ thuật tạo hình được thể hiện rõ nét thông qua những hình tượng, biểu trưng, các mẫu hoa văn trang trí đến bố cục các gam màu trên bộ trang phục. Mỗi dân tộc đều có những kỹ xảo riêng trong cách trang trí bố cục các hoa văn. Trên trang phục của dân tộc Dao thì các mẫu hoa văn chủ đạo là hoa văn hình cây thông, ngôi sao tám cánh, hoa văn đối xứng, với hoạ tiết thêu hoa rất nhỏ khoảng 1,5cm – 2cm. Với người Mông thì hoa văn chủ yếu là đường thẳng, hình tròn, hình xoáy trôn ốc, quả trám, tam giác. Người Thái lại sử dụng các họa tiết đối xứng với nhau…
Qua quan sát của chúng tôi, hầu hết trang phục của các dân tộc đều sử dụng gam màu mạnh, tạo cảm giác rực rỡ, ấn tượng. Tuy nhiên, việc sử dụng gam màu, phối hợp các màu lại tạo nên những nét riêng. Người Dao đỏ gam màu chủ đạo là màu đỏ với những mảng hoa văn sặc sỡ tạo nên điểm khác biệt với các ngành Dao khác. Còn trên trang phục của người Cống lại có kiểu dáng cổ khoét sâu hình tròn để hở ngực, phía sau lưng dán thêm một miếng vải màu đỏ hoặc xanh, tím. Hoa văn trên trang phục thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chủ yếu lại là gam màu đỏ tươi.
Trang phục của người Mông ở Pa Tần, huyện Sìn Hồ được trang trí đơn giản, màu sắc chủ đạo là màu trắng và màu xanh đậm, các mảng hoa văn được trang trí thêu ở hai khuỷu tay và các đường viền của tà áo, thân áo nhưng lại mang những nét đặc trưng, thể hiện sự phóng khoáng, đơn giản nhưng lại tinh tế. Các cô gái chưa có gia đình mặc váy trắng, dưới gấu váy thêu khoảng 10cm hoa văn. Áo thì có tay áo như hình cánh dơi hai bên và phần thân trên thêu hoa văn màu đen lẫn màu trắng.
Kiểu mũ độc đáo của người Dao đầu bằng xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường).
Với đồng bào Thái, nam giới thường mặc áo cánh có đính cúc hoặc khuy tết bằng dây vải, hai bên sườn giáp hông có đường xẻ. Nữ giới mặc váy, áo cóm, có 2 hàng cúc bướm trước ngực bằng bạc hoặc nhôm. Người Thái còn nổi tiếng với các sản phẩm khăn, chăn, gối, đệm được các dân tộc khác ưa chuộng vì vừa tinh tế, sáng tạo trong cách tạo kiểu dáng cũng như bố cục các gam màu, mẫu hoa văn. Các sản phẩm lại bền và rất đẹp.
Nghệ thuật tạo hình còn được thể hiện rất rõ ở từng chiếc mũ, khăn, túi và cả những dải băng cuộc xung quanh cổ tay, cổ chân, chuôi dao. Riêng về kiểu mũ, đồng bào dân tộc ở Lai Châu đã có rất nhiều kiểu dáng khác nhau, mỗi một dân tộc có một kiểu mũ riêng. Song nhìn chung thì với đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ thì mũ cũng thường dùng tô điểm, làm nổi bật bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Theo bà Phàn Tả Mẩy - người Dao đầu bằng, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường thì quy trình làm mũ rất cầu kỳ, tỷ mỉ, mất nhiều thời gian. Mũ của người Dao được làm bằng nhiều mảng hoa văn ghép lại với nhau, được trang trí những đường viền màu xanh, đỏ, vàng, điểm vào đó là những tua chỉ màu, các đồng bạc trắng, hạt cườm gắn kết đan xen tạo nên tính nghệ thuật cao. Vì thế, người Dao luôn tự hào về sản phẩm mũ của mình, không chỉ ở kiểu dáng mà ở nghệ thuật trang trí đường nét hoa văn trên mũ.
Ngoài mũ, thì khi đi làm hay lúc ở nhà, người phụ nữ thường vấn khăn trên đầu, vừa có tác dụng giữ tóc vừa có tác dụng làm đẹp. Khăn của đồng bào thường có khổ hình vuông hoặc hình chữ nhật, có các gam màu đỏ hoặc đen. Người Dao đỏ thường quấn khăn màu đỏ hình chóp trên đầu, góc khăn là những chiếc tua rua xanh đỏ có đính hạt cườm, người Thái nổi tiếng với chiếc khăn Piêu được tạo từ một tấm vải dài khoảng 1 sải tay, rộng 40cm màu đen được thêu hoa văn, với nhiều màu sắc đan xen tinh tế. Ngoài ra, các kiểu túi cũng được làm rất cầu kỳ, trang trí các đường viền, hoa văn rực rỡ như túi của người Dao đỏ, người Thái, người Mông..
Cho đến nay nghệ thuật tạo hình trên trang phục của đồng bào đã có nhiều sự cách điệu. Tuy vậy, đồng bào vẫn giữ được những nét truyền thống cơ bản trên trang phục của dân tộc mình.
Gia Linh
Bình luận