

Đến bản Phiêng Phát vào bất kỳ thời điểm nào trong năm ai cũng có thể dễ gặp hình ảnh những người già ngồi cặm cụi, cần mẫn trước cửa nhà, dưới tán cây ăn quả say sưa chẻ vót, đan từng sợi nan nhịp nhàng. Dưới bàn tay thô ráp những sản phẩm thủ công như: mâm cơm, ếp đựng cá, giỏ đựng xôi và các loại vật dụng khác lần lượt được hoàn thành mang nhiều giá trị thẩm mỹ và thời gian.
Nhiều cao niên trong bản cũng không nhớ rõ nghề đan mây tre có từ bao giờ, do ai truyền lại. Các cụ kể rằng, khi lớn lên đã thấy mọi người làm và cùng dạy nhau kỹ thuật đi từng sợi nan, ghép từng đường viền cho đúng. Sống giữa rừng núi, các nguyên liệu như cây luồng, tre, vầu thường sẵn do đó các gia đình tự đan dụng cụ để dùng. Tuy nhiên khi nguyên liệu ngày một cạn kiệt, bà con phải đi vào rừng sâu mới lấy được, thêm vào đó là các mặt hàng đồ nhựa tràn về bản với giá rẻ lại tiện lợi đã khiến nghề đan lát dần mai một. Số lượng người gắn bó với công việc này theo đó cũng giảm dần.
Bà Lò Thị Ón bảo quản mâm mây tre trên gác bếp.
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Lò Thị Ón nằm ngay đầu của một con ngõ nhỏ. Bên trong không gian khá rộng với kiểu thiết kế đặc trưng của người Thái. Điều làm tôi ấn tượng là các vật dụng sinh hoạt của gia đình bà chủ yếu được làm từ mây, tre như: mâm cơm, giỏ xôi, thúng... Bà Ón đã 57 tuổi, công việc đan lát cũng đã gắn bó với bà được 16 năm. Tuy không tiếp cận từ nhỏ nhưng nhờ sự tỷ mỉ, kiên trì và sáng tạo, sản phẩm bà Ón làm ra tinh tế, những nan tre và song mây tưởng chừng như vô hồn nhưng khi kết hợp lại mang tính nghệ thuật.
Bà Ón bảo, trong quá trình đan bà thường dừng tay sửa sang, chêm gõ chặt nhờ đó các mắt nan kín kẽ. Mỗi khi hoàn thành sản phẩm, bà lại gác lên bếp để khói ám vào làm sản phẩm bền không mối mọt mà lại có màu vàng hung đẹp mắt. Hiện trên gác bếp nhà bà Ón có tới 17 cái mâm mây tre với nhiều kích thước khác nhau, giá tiền giao động từ 200 nghìn - 1 triệu đồng/chiếc. Bà Ón cũng đan theo nhu cầu của khách hàng đặt. Năm ngoái bà Ón bán mâm mây tre thu về 6 triệu đồng.
Dưới tán xoài đang vào mùa trái, ông Tòng Văn Thanh nhanh tay bắt những nan tre thoăn thoắt để hoàn thiện cái ếp. Người Thái thường dùng cái ếp đeo cạnh sườn để đựng tôm, cá hay khi hái chè, mang đồ lên nương rất tiện lợi. Ông Thanh tâm sự: “Nhà tôi thường dùng đồ mây tre, nên khi rảnh rỗi tôi lại ngồi đan dụng cụ để khi cần có cái dùng ngay”. Công việc đan lát không những giúp bà con có thêm thu nhập mà còn là hy vọng khi về già. Bởi lúc còn trẻ, nhiều người tập trung lo lao động, làm nương, trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống. Đến khi sức khỏe giảm sút, đôi chân không còn sức vượt qua những ngọn đồi lắm tầng nhiều dốc thì ngồi đan lát lại trở thành niềm vui tuổi xế chiều.
Mỗi một loại dụng cụ có yêu cầu về kích thước cũng như độ dày mỏng khác nhau. Muốn sản phẩm mây tre bền đẹp, người Thái thường chọn những cây luồng, cây vầu bánh tẻ. Bởi nếu chọn cây non thì khi pha tre, luồng, vầu hay bị co héo, không có độ cứng chắc. Trước khi đan cần ngâm tre, vầu dưới nước chống mối mọt hoặc chẻ từng thanh rồi luộc kỹ. Các vật dụng làm bằng mây tre có độ bền cao, có gia đình dùng mâm mây tre tới 30 năm đến nay vẫn chưa hỏng. Do đó, dù trên thị trường các loại mâm đồng, mâm nhôm bán rộng rãi nhưng người Thái bản Phiêng Phát vẫn trung thành với việc dùng mâm mây tre.
Trưởng bản Lò Văn Lả cho biết: Hiện nay trong bản có khoảng 16 hộ đan mây tre thường xuyên. Nhà nào cũng có sẵn các sản phẩm để bán cho khách. Hiện tre, luồng đã được các gia đình trồng ở vườn, trên nương nhưng song mây thì hiếm, phải vào rừng sâu mới lấy được. Mấy năm nay, người dân trong bản phải đến xã Hồ Thầu, đi chợ San Thàng mua song mây.
Với mong muốn nghề đan lát được giữ gìn, chính quyền địa phương cũng khuyến khích bà con duy trì để thêm thu nhập và cũng góp phần xây dựng bản Phiêng Phát thành bản nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, cái khó ở đây là đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện, hiếm lắm mới có gia đình nhận được đơn hàng khách miền xuôi đặt với số lượng lớn. Còn lại bà con làm cũng khó bán. Tận dụng mạng xã hội, một số gia đình cũng đăng quảng bá giới thiệu sản phẩm nhưng hiệu quả chưa cao. Tuy khó khăn là vậy, nhưng nhiều gia đình cũng khẳng định quyết tâm duy trì nghề đan lát đồng thời sẽ cố gắng cải tiến mẫu mã, với kiểu cách họa tiết, “thổi hồn” vào từng sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường.

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số

Hội thi hái chè, sao chè tại xã Phúc Khoa

Biển Cửa Lò – Quyến rũ mùa du lịch

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh






