Lễ hội “Mừng lúa mới”
Tiết mục múa của đội văn nghệ bản Nậm Manh, xã Nậm Manh.
Lễ "Mừng lúa mới" của người Khơ Mú được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn ông, bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, không bị sâu bệnh phá hoại, chim sóc thú rừng phá, mùa màng mới bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc.
Người dân nơi đây quan niệm, đến ngày tổ chức mâm lễ càng đầy, càng nhiều sản vật thì càng thể hiện sự no đủ, phát đạt của gia đình. Trong mâm lễ “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Khơ Mú thường gồm: xôi trắng, cốm non, xôi cốm, cơm lam, thịt lợn, thịt gà cùng với các món ăn lấy nguyên liệu từ tự nhiên như: sóc, chuột rừng, cá suối…
Đồng chí Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại lễ hội.
Thực hiện nghi lễ cúng, còn gọi là “Gọi hồn lúa”, thầy cúng mặc trang phục truyền thống (màu chàm đen, đầu quấn khăn) tự tay bày đồ lễ cúng lên mâm cúng theo thứ tự: các đồ cúng (đồ mặn) được bố trí bày giữa mâm cúng (người Khơ Mú cho rằng như vậy sẽ thể hiện sự kính trọng với trời đất, thần linh và những người đã mất); các đồ cúng còn lại bày xung quanh mâm cúng, sau đó thầy cúng rót 2 chén rượu để cạnh nhau (để làm lý mời người đã chết), thắp một cây nến sáp ong trên mâm lễ, các thành viên khác tập trung phía sau để nghe thầy cúng mời các thần linh về hưởng thụ đồ lễ và phù hộ cho dân bản được bình an, không ốm đau, bệnh tật, hằng năm làm nương, làm rẫy được mùa màng bội thu, không để các hộ gia đình trong bản bị thiếu ăn.
Thầy cúng và người dân bản Nậm Manh thực hiện nghi thức “gọi hồn lúa” trong lễ hội.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Tiến Hóa - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: việc tổ chức khôi phục Lễ hội “Mừng lúa mới” (Mạ Mạ Mê) dân tộc Khơ Mú xã Nậm Manh là việc làm rất cần thiết. Qua đó, góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, đặc biệt lưu giữ nét đẹp văn hoá các dân tộc ít người.
Các nghi thức trong lễ hội sẽ trở thành tài liệu lưu giữ góp phần vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khơ Mú nói riêng và cộng đồng các dân tộc của huyện nói chung; đồng thời góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân về vai trò và vị trí của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, đây còn là dịp để người dân giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, khơi dậy niềm tự hào truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, dân tộc Khơ Mú được bảo tồn, phát triển.
Người dân thi đấu thể thao trong lễ hội.
Cũng tại lễ hội, Ban Tổ chức đã tổ chức thi đấu 3 bộ môn thể thao truyền thống gồm: đẩy gậy, kéo co, bịt mặt đánh chiêng tạo sân chơi, giao lưu cho người dân tới dự.
Nguyễn Tùng
Bình luận