

Những ngày này đi dọc từ chợ trung tâm Đoàn Kết đến xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu), hình ảnh dễ thấy là bà con tất bật phơi ngô ven đường 58m. Nhiều chiếc lán nhỏ được dựng trên vỉa hè để bà con nghỉ tạm, trông ngô. Trong câu chuyện với nhiều nông dân nơi đây, chúng tôi được bà con chia sẻ những nỗi niềm chất chứa. Chưa bao giờ người nông dân trồng ngô lại gặp nhiều khó khăn đến như vậy. Anh Lý A Nổ (bản Sin Páo Chải, xã Nậm Loỏng) vừa nhanh tay thu hoạch những bao ngô cuối cùng, vừa tâm sự: Nhà mình nghèo khó, những năm qua, vợ chồng mình nỗ lực làm thuê rồi mượn đất trồng ngô với mong ước sau này mua được đất dựng nhà. Nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi, ngô lại bị sâu bệnh gây hại khiến năng suất giảm. Nhiều khoản phải chi tiêu rồi năm học mới của các con lại sắp bắt đầu rồi, khiến mình rất lo lắng.
Biết vi phạm trật tự an toàn giao thông nhưng người dân vẫn phải phơi ngô trên đường 58m.
Do không có đất nên anh Nổ làm chung với 3 hộ dân trong xã. Anh cũng không biết diện tích là bao nhiêu, chỉ biết nhà chủ đất đầu tư giống, phân bón, còn anh bỏ công lao động. Khi được thu hoạch thì chia đôi. Tổng thu từ 3 nương ngô của gia đình anh năm nay là hơn 100 bao. Ngay từ thời gian đầu xuống giống đã gặp trở ngại, thời tiết nắng nóng kéo dài, ngô chậm phát triển hoặc chết, anh phải mua thêm 5 gói hạt giống để dặm thêm. Khi ngô bắt đầu cho thu hoạch thì bị sâu keo mùa thu tấn công ồ ạt làm năng suất giảm đáng kể. Bỏ bao mồ hôi công sức mà trời vẫn phụ công người. Ngô thu hoạch từ trung tuần tháng 7 đến nay đã xong nhưng đúng vào thời điểm mưa nhiều nên không thể bảo quản. Hạt mốc, hạt nẩy mầm, gia đình anh bị hỏng mất khoảng 5 tạ ngô hạt.
Anh Nổ nói: Ngô phơi ở đường, tối chỉ vun vào và che bạt nên tôi làm lán ở vỉa hè ngủ để trông ngô. Hôm trước, không biết ai đó đi qua dùng dao rạch lên bạt che ngô của gia đình làm ngô bị ngấm nhiều nước mưa. Vẫn biết phơi ngô ở đường là vi phạm trật tự an toàn giao thông và còn nhiều rủi ro khác, song thu hoạch không nhanh thì sâu hại, mà thu về không có chỗ phơi thì hỏng hết nên gia đình tôi và nhiều hộ khác đành phải mang ra đường phơi.
Cũng như gia đình anh Nổ, năm nay, do sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt, gia đình chị chị Sùng Thị Măng (cùng ở bản Sin Páo Chải) chỉ thu được 40 bao ngô (giảm 20 bao so với cùng kỳ năm trước). Vừa cõng con trên lưng, chị vừa nhanh tay thu vén ngô để kịp che bạt tránh cơn mưa đang sầm sập đến. Chị bảo: 2 ngày phơi ngô bị dính mưa, hôm nay mới được chút nắng. Trời đang nắng lại ập mưa rào, chồng không có nhà, chỉ còn tôi với con nhỏ, không thu nhanh thì ngô lại ướt hết. Gia đình tôi trồng giống NK66, năng suất cao hơn giống ngô địa phương nhưng bảo quản rất vất vả, phải phơi được nắng mới để được lâu còn không nhanh là mốc hoặc mọc mầm hết. Bản Sin Páo Chải có nghề nấu rượu ngô truyền thống nên dân bản hầu hết ai cũng trồng ngô. Bình thường 3 ngày được nắng là ngô khô rong nhưng dính mưa phải phơi chừng 1 tuần. Chúng tôi mong địa phương quan tâm tìm phương án bảo quản ngô cho bà con sau thu hoạch, bởi ngô là cây trồng truyền thống trong phát triển kinh tế của nông dân cũng là nguồn thực phẩm quan trọng để phát triển chăn nuôi.
Nhiều gia đình phải dựng lán, ăn nghỉ ở vỉa hè để trông ngô.
Không chỉ người dân trong xã Nậm Loỏng, gia đình chị Giàng Thị Mơ ở bản Cư Nhạ La (xã Sùng Phài, huyện Tam Đường) cũng thuê xe mất 150.000 đồng/chuyến đem ngô ra thành phố phơi và ngủ nhờ lán nhà chị Măng. Chị cho hay: Bao ngày trồng, chăm sóc, đến lúc thu hoạch thời tiết không ủng hộ nên vất vả quá. Giá như trong bản có sân phơi hoặc có mấy cái máy sấy ngô hạt hay Nhà nước nghiên cứu cho bà con mấy phương pháp bảo quản ngô sau thu hoạch thì tốt biết mấy, dân bản sẽ bớt vất vả rất nhiều...
Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2019, nông dân thành phố gieo trồng 297,21ha ngô (ngô xuân sớm 37,5ha, xuân hè 359,71ha). Trong đó, 236ha bị sâu keo mùa thu gây hại (92,5ha nhiễm nặng, còn lại ở thể nhẹ và trung bình). Cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc phòng trừ, bảo vệ kịp thời 105ha, nhưng năng suất vẫn bị ảnh hưởng, giảm đáng kể. Nếu như năm trước trồng ngô năng suất đạt trên 53,4 tạ/ha thì nay còn 50,2 tạ/ha. Không những vất vả phòng trừ sâu bệnh, buồn vì năng suất giảm, nông dân thành phố còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình bảo quản ngô. Mưa nắng thất thường, nhiều hộ ngô bị mốc, nảy mầm, bán không ai mua...
Mang theo nỗi niềm và những khó khăn của người trồng ngô, chúng tôi được chị Dương Thị Nhài - Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Sau mỗi vụ thu hoạch, cán bộ trong Phòng thường kiểm tra, đánh giá năng suất, bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Vài năm trở lại đây, diện tích ngô tăng lên đáng kể, người dân trồng giống ngô lai mới cho năng suất cao, có nông sản bán ra thị trường và phục vụ nhu cầu chăn nuôi hộ gia đình, chúng tôi rất phấn khởi. Nhưng năm nào cũng vậy, do đặc thù khí hậu vùng cao mưa muộn nên hầu hết thời gian thu hoạch ngô trùng thời điểm mùa mưa. Trước khó khăn đó, Phòng cũng đã kiến nghị với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét bổ sung nội dung, định mức hỗ trợ máy sấy nông sản (ngô, lúa) cho bà con bảo quản nông sản. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn chưa được giải quyết.
Khó khăn trong bảo quản nông sản của nông dân thành phố Lai Châu là vấn đề tồn tại nhiều năm nay, nông dân dù biết sai nhưng vẫn phải phơi ngô dưới lòng đường bởi không có sân phơi, máy sấy... Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm có giải pháp hỗ trợ để nông dân không phải băn khoăn, lo lắng trong khâu bảo quản ngô sau mỗi vụ thu hoạch.

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội

Tăng cường kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần linh hoạt thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng
Lớp học “đặc biệt” ở một nơi “đặc biệt”
Lời tự thú sau “song sắt” của “bóng hồng” lạc lối

Rà soát, di dời, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ sạt lở

Bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả
Đảm bảo dòng chảy tối thiểu của các công trình thủy điện








