

Đến nay có thể khẳng định những lợi ích thiết thực mà thuốc trừ cỏ mang lại. Nhờ sử dụng thuốc trừ cỏ mà thời gian lao động trên ruộng, nương được rút ngắn, khung lịch thời vụ được thực hiện kịp thời. Thuốc trừ cỏ có khả năng loại bỏ sạch nhiều giống cỏ tạp như: cỏ một, hai lá mầm; cỏ có rễ ăn sâu, độ bám chắc như cỏ tranh, lau, cây chó đẻ, trinh nữ, cỏ ống… chỉ trong thời gian ngắn bằng biện pháp đơn giản.
Có 2 loại thuốc trừ cỏ bà con thường sử dụng là Gfaxone (loại này khiến cỏ siêu cháy nhanh) và Lyphoxim (loại này làm cỏ chết chậm). Nếu phun loại thuốc siêu cháy nhanh thì trong vòng 3 ngày là cỏ đã héo rũ, tuy nhiên với độc tố nhẹ hơn nên gốc cỏ vẫn duy trì khả năng nảy mầm, đẻ nhánh mới. Đối với loại thuốc phun cỏ chết chậm thì rất độc hại, sau khi phun cỏ sẽ ngả vàng và chết trong vòng 7 ngày. Mỗi mảnh nương, ruộng thường được bà con phun khoảng 2 lần/vụ. Việc lựa chọn thuốc trừ cỏ trên ruộng, nương tùy theo mật độ cỏ mọc dày hay thưa. Hầu hết bà con thường sử dụng loại thuốc “cỏ chết chậm” bởi tác dụng diệt cỏ tận gốc.
Người dân phun thuốc trừ cỏ Lyphoxim trên nương.
Bên cạnh những ưu điểm, thế mạnh thì thuốc trừ cỏ có tính độc cao chứa hóa chất điôxin vô cùng độc hại là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh như: ung thư, rối loạn thần kinh, vô sinh và nhiều bệnh tật khác. Không chỉ gây bệnh cho người trực tiếp sử dụng mà còn di truyền sang thế hệ khác... Người biết chữ còn đọc hướng dẫn trên vỏ chai, người không biết chữ thì đong ước lượng hoặc nghe qua người này, người kia nói và làm theo. Thấy cỏ dài, rậm là phun không nắm rõ phun thuốc vào thời điểm nào, kỹ thuật phun thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Thậm chí khi bắp ngô sắp đến thời kỳ thu hoạch nhưng lo sợ cỏ rậm sẽ là môi trường lý tưởng cho chuột trú ngụ, cắn phá nên bà con vẫn tiến hành phun thuốc mà không nghĩ đến việc thuốc trừ cỏ sẽ bám, dính vào bắp ngô ảnh hưởng nặng tới gia súc, gia cầm và người tiêu dùng ra sao.
Ông Ú A Té ở bản Màng, phường Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Mỗi khi bước vào vụ mùa mới, hay khi cỏ dại mọc nhiều ở nương ngô, chè, ruộng lúa... người dân đều phun thuốc trừ cỏ để trồng trọt dễ dàng, sự phát triển của sâu bệnh, nạn chuột cắn phá từ đó cũng hạn chế đáng kể. Không riêng gia đình tôi mà hiện nay đa số các gia đình làm nông nghiệp đều mua thuốc trừ cỏ về sử dụng. Hình thức phát nương, xới cỏ theo lối truyền thống còn rất ít. Gia đình tôi sử dụng thuốc trừ cỏ khoảng 7 năm nay”. Còn bác Lèng Văn Kến ở bản Tả Xin Chải 1 (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) thì cho hay: “Sau mỗi lần phun thuốc tôi thường có cảm giác uể oải, mệt mỏi giống như người say rượu, cơm không muốn ăn, nước không muốn uống, tâm trạng như người “ốm giả vờ”, đau mắt, đau đầu chỉ muốn nghỉ ngơi. Biết là độc hại nhưng phun thuốc trừ cỏ giúp chúng tôi nhàn hơn, nương sạch sẽ, nhìn thoáng đẹp nên gia đình nào cũng mua về sử dụng”.
Để giúp chúng tôi dễ hiểu, ông Kến lấy ví dụ với một mảnh nương bằng phẳng có diện tích khoảng 3.000m2. Trong hoàn cảnh thời tiết thuận lợi nếu làm cỏ thì 5 người phải miệt mài lao động, thậm chí còn gói cơm, nước uống mang theo, mất một ngày mới hoàn thành. Còn phun thuốc trừ cỏ thì một người vừa làm vừa nghỉ trong vài tiếng đồng hồ là xong. Chi phí mua thuốc không tốn kém, khoảng 250 nghìn đồng, trong khi đó thuê hoặc đổi công nhau làm tính ra đầu tư khoảng 2 triệu đồng.
Đa số người nông dân đều biết được tác hại của thuốc trừ cỏ, ai cũng nói là rất hại cho cơ thể, tuy nhiên trong quá trình sử dụng nhiều người vẫn thờ ơ với sức khỏe của chính mình. Quan sát tốp người nông dân bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) phun thuốc trừ cỏ trên nương chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới, tôi mới thấy được sự chủ quan của bà con trước tác hại của thuốc trừ cỏ. Ngay từ khi mở nắp chai thuốc, nhiều người dùng que củi, hoặc lấy bất cứ thứ gì nhặt được từ xung quanh có khả năng mở nắp chai là dùng. Nguy hiểm hơn không ai thực hiện trang bị bảo hộ lao động đầy đủ như: quần áo, kính mắt, mũ, áo mưa, găng tay, ủng, khẩu trang. Có chăng thì bà con sử dụng ủng bởi thói quen lao động trên nương, ruộng. Khi phun, nước trong bình nhỏ tong tong vào lưng, vạt áo nhưng bà con cũng không quan tâm, tìm cách khắc phục. Thậm chí khi nước bị rò rỉ ở đầu vòi phun, có người dùng tay trần vặn đi vặn lại cho chặt rồi phun tiếp. Sử dụng hết chai thuốc, lại vứt bừa bãi vỏ chai tại nương, hoặc dòng suối, khe nơi lấy nước.
Thuốc trừ cỏ độc hại là vậy, nhưng khi có ai đó có nhã ý thuê bà con phun cỏ chè, cỏ dại trên nương thì nhiều người cũng không từ chối bởi tiền được trả do phun thuốc khá cao. Thường thì 50 nghìn/bình/người nếu người phun tự mua thuốc, còn 30 nghìn/bình nếu gia đình chủ lo liệu thuốc trừ cỏ. Với tiền công trả cao và công việc phun thuốc cũng không nặng nề, người phun nhanh một ngày có thể phun được 20 bình, còn ít hơn thì từ 8 - 10 bình. Việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc trừ cỏ cũng đã được một số chính quyền địa phương quan tâm hướng dẫn, song bà con “vẫn đâu vào đấy”.
Tác hại khôn lường từ thuốc trừ cỏ cao gấp bội lần hiệu quả mang lại, thậm chí tác hại đó gây hệ lụy không thể cứu vãn. Lạm dụng thuốc trừ cỏ, sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cây trồng, môi trường và sức khỏe, làm cho giống nòi suy kiệt. Thiết nghĩ, trước tình trạng người dân sử dụng thuốc trừ cỏ thiếu hiếu biết, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực hơn nữa để thay đổi việc làm này.
Tin đọc nhiều

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục

Xử lý rác thải rắn: Vấn đề cũ, thách thức mới

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè thị trấn Mường Tè

Cần sớm có giải pháp sửa chữa cầu Phiêng Đanh

Tả Phùng mùa khát

Livestream trên wechat và cái kết bất ngờ






