

Trước hiện trạng những loại kẹo bánh “quái dị” như kẹo thuốc lá và vô số các loại quà rong không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang “đầu độc” cả thể chất và tâm hồn các em học sinh ngay cổng trường, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh đã bày tỏ quan điểm góc nhìn của luật sư về sự việc.
Ông Diện cho rằng, về hiện trạng những mặt hàng như bánh kẹo, quà rong, đồ chơi… không rõ nguồn gốc, nhãn mác nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt như kẹo phát quang, kẹo thuốc lá, bánh kẹo nhiều màu có thể gây hại tới sức khỏe của em học sinh có thể không gây ngộ độc cấp tính ngay nhưng nhiều chuyên gia cho biết một số loại thực phẩm, đồ chơi không rõ nguồn gốc này còn chứa các chất gây hại lâu dài như ung thư nên việc buôn bán là hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo ông Diện, Luật an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2011 quy định những hành vi bán hàng hóa, bánh kẹo, đồ chơi không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của luật này.
Các cửa hàng đã được cấp phép kinh doanh phải được các ngành chức năng như cơ quan Quản lý thị trường, ngành y tế, nhà trường và các phụ huynh có biện pháp giám sát, tổ chức công tác hậu kiểm chặt chẽ, nếu có sai phạm cần được báo cáo xử lý triệt để, tránh tình trạng đến khi sức khỏe, tính mạng của các cháu bị xâm hại nghiêm trọng mới vào cuộc.

“Trong một số trường hợp người kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn cố tình vi phạm, bày bán những hàng hóa, bánh kẹo, đồ chơi nhập lậu không qua đường chính ngạch, không được kiểm định về chất lượng đó là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm, xử phạt nặng thậm chí có thể tước Giấy phép kinh doanh hoặc phát hiện gây hậu quả nghiêm trọng có thể xử lý hình sự”, ông Diện khẳng định.
Đưa ra những góc nhìn về mặt pháp luật với các hành vi “đầu độc” các em học sinh của những người hám lợi, luật sư Diện cũng chia sẻ thêm, việc kiểm tra, giám sát những hành vi vi phạm nêu trên không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn phải có sự giám sát của nhà trường, phụ huynh, những người gần gũi các em nhất. “Thiết nghĩ nên có quy chế tự kiểm, nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng tự kiểm tra, giám sát các cửa hàng thuộc trường mình quản lý.

Ngay cả các bậc phụ huynh nếu chiều con mà không nhận thức được tác hại của những loại quà rong “đầu độc” con em mình thì chính phụ huynh đó sẽ phải gánh chịu trách nhiệm lớn nhất. Những loại kẹo như kẹo thuốc lá hay các loại đồ chơi bạo lực không những chỉ gây hại về mặt thể chất các em học sinh hiếu động mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường có thể làm lệch lạc suy nghĩ và tâm hồn vốn còn ngây thơ và chưa thể nhận thức được nhiều của các em”.
Với các cơ quan chức năng, ông Diện kiến nghị: Các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành Y tế và Quản lý thị trường phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra để phát hiện kẹo mút phát sáng, ô mai, đồ chơi… có chất gây ung thư “đầu độc” học sinh quanh các điểm trường, xử phạt nghiêm khắc những người kinh doanh, cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem phụ bằng tiếng Việt, đồng thời quyết liệt thu hồi và tiêu hủy những loại quà độc hại bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm hồn cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước.
Tin đọc nhiều

Livestream trên wechat và cái kết bất ngờ
Đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân
Cây quế cần có đầu ra bền vững
“Mệnh lệnh không lời” của lực lượng phá án ma túy
Sáp nhập bộ máy: Chủ trương đúng, thực thi kịp thời, hiệu quả cao

Triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng phát triển lưới điện

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo nửa đêm nhắn tin tố “ngoại tình”

Chiêu trò lừa đảo từ các cuộc gọi không nói gì








