

Lai Châu là tỉnh miền núi có diện tích rừng tự nhiên lớn với hơn 450 nghìn hécta cùng hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, cùng với lợi thế về tài nguyên rừng, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra, nhất là tại các khu vực rừng giáp ranh, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Với vai trò là lực lượng mũi nhọn trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm lâm luật, thời gian qua, Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR đã phát huy hiệu quả vai trò xung kích, linh hoạt, chủ động trong tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Sỹ Hà – Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, Đội đã tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường trọng điểm, phối hợp với kiểm lâm địa bàn, chính quyền các xã có rừng và các lực lượng chức năng trong tỉnh để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, vào các thời điểm cận Tết Nguyên đán, mùa cao điểm khai thác lâm sản, chúng tôi bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra ban đêm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển lâm sản trái phép”.
Được biết, trong năm 2024, Đội đã phát hiện 33 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (xử lý 32 vụ và tham mưu cho cấp trên xử lý 01 vụ). Trong đó, mua bán, vận chuyển, sản trái pháp luật 5 vụ; tàng trữ lâm sản trái pháp luật 23 vụ; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng 1 vụ; vi phạm về quản lý hồ sơ 2 vụ và phá rừng trái pháp luật 2 vụ với tổng số tiền đã thu nộp ngân sách hơn 493 triệu đồng.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra lưu động, kiểm tra đột xuất tại các điểm “nóng” về khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trên địa bàn các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Tân Uyên. Qua đó, phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm, thu giữ hàng chục mét khối gỗ các loại, gỗ quý hiếm, lâm sản ngoài gỗ không có giấy tờ hợp pháp. Nhiều phương tiện vận chuyển cũng đã bị lập biên bản, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Đội đã tuần tra và phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó 3 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm là 3 cá nhân; 3 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là hơn 114 triệu đồng.
Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR tỉnh thu giữ gỗ khai thác trái phép tại xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn.
Trong đó, đáng chú ý, vào ngày 10/3/2024, Tổ công tác Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn lâm sản vận chuyển trái phép tại khu vực bản Pắc Ma (xã Mường Tè, huyện Mường Tè), gồm 190 bó cây song mật và 250 bó cây sặt, không xác định được chủ sở hữu; Kiểm tra phát hiện 1 vụ phá rừng tại xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ); kiểm tra tại huyện Than Uyên phát hiện 2 vụ phá rừng tại xã Mường Kim và xã Mường Cang…
Không chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm, Đội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng đến người dân. Cán bộ kiểm lâm trực tiếp xuống bản, đến từng hộ dân sinh sống ven rừng, vận động bà con ký cam kết không chặt phá rừng, không tham gia tiếp tay cho các đối tượng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Hàng nghìn tờ rơi, pano, áp phích về bảo vệ rừng cũng được Đội phối hợp với lực lượng kiểm lâm các huyện phát đến người dân. Góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong công tác giữ gìn, bảo vệ tài nguyên rừng.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi được các đối tượng vi phạm sử dụng, Đội đã không ngừng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho lực lượng, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát. Việc sử dụng flycam, máy định vị GPS, phần mềm theo dõi diễn biến rừng đã giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện kịp thời những biến động bất thường trong diện tích rừng, từ đó triển khai biện pháp xử lý nhanh chóng, hiệu quả.
Thời gian tới, Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra đột xuất; xây dựng mạng lưới cung cấp tin báo tại cơ sở; nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành; tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền. Qua đó, góp phần bảo vệ hiệu quả “lá phổi xanh” của Lai Châu, phát huy giá trị rừng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Tin đọc nhiều
Bài 2: Khi Đảng gần dân, hủ tục không còn chỗ đứng

Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa

Tam Đường tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục

Xử lý rác thải rắn: Vấn đề cũ, thách thức mới

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè thị trấn Mường Tè





