

Kỳ 1: Khai thác dữ liệu - Đột phá trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Bằng việc khai thác, tận dụng tối đa dữ liệu công nghệ số, trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi với những chuyên án lớn, chưa có tiền lệ. Tuy ở địa bàn xa xôi, tiếp cận thông tin chưa thể nhanh nhạy như các vùng trung tâm, tại sao Công an Lai Châu lại có thể phá được nhiều chuyên án lớn như vậy?
Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh khẳng định với phóng viên tại buổi họp báo cung cấp thông tin Chuyên án 0924L rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã mang lại nhiều tiện ích cho đời sống xã hội, nhưng đồng thời cũng làm xuất hiện những loại hình tội phạm mới, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ẩn danh trên không gian mạng. Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an Lai Châu đã chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng thành quả của Đề án 06, căn cước công dân (CCCD) gắn chip và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đem lại hiệu quả thiết thực.
Nổi bật nhất là Chuyên án 0924L triệt phá đường dây lừa đảo xuyên quốc gia tại Campuchia và Chuyên án 0524V triệt xóa hai ổ nhóm livestream khiêu dâm, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích đồi trụy. Cả hai chuyên án đều thể hiện tư duy nghiệp vụ sắc bén, khả năng ứng dụng công nghệ và dữ liệu dân cư một cách linh hoạt, hiện đại.
Chìa khóa thành công của Chuyên án 0924L
Tháng 9/2024, sau khi tiếp nhận hàng loạt phản ánh về việc người dân trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh khác bị lừa đảo qua mạng với thủ đoạn giả danh cơ quan công quyền, Công an tỉnh đã xác lập Chuyên án 0924L. Qua phân tích dữ liệu tài khoản ngân hàng, thông tin CCCD, đối chiếu dấu vân tay, ảnh khuôn mặt từ dữ liệu dân cư cũng như tiến hành truy vết trên 80 tài khoản tại 38 ngân hàng khác nhau; trên 20 tài khoản mạng xã hội zalo, facebook; hơn 3.000 cuộc gọi lừa đảo do nhóm đối tượng thực hiện để lừa đảo và hàng nghìn địa chỉ truy cập mạng internet, các trinh sát đã lần ra một ổ nhóm tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, có địa bàn hoạt động tại biệt khu Venus2, thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Đồng thời, Công an Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và lực lượng chức năng Campuchia, tổ chức truy bắt thành công nhiều đối tượng người Việt đang lẩn trốn tại Campuchia. Kết quả, 18 đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam, liên quan đến 52 nạn nhân ở 29 tỉnh thành, với tổng thiệt hại 3,95 tỷ đồng.
Đại tá Phạm Hải Đăng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh) cùng đồng chí trong Ban Chuyên án 0924L trực tiếp hỏi cung đối tượng.
Điều đặc biệt trong chuyên án là việc sử dụng công nghệ truy xuất qua ảnh, vân tay và số CCCD gắn chip để xác định chính xác danh tính đối tượng khi không có giấy tờ tùy thân, giúp lực lượng chức năng có cơ sở pháp lý vững chắc trong phối hợp bắt giữ và dẫn độ. Lần đầu tiên, lực lượng công an có thể đột nhập vào hang ổ tội phạm tại biệt khu Venus2 chính là Công an Lai Châu và đó là chuyên án chưa có tiền lệ.
Chuyên án 0524V - bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Không dừng lại ở chuyên án quốc tế, Công an tỉnh tiếp tục khẳng định tinh thần chủ động đấu tranh với tội phạm mạng trong nước bằng Chuyên án 0524V, triệt phá 2 nhóm đối tượng có hành vi tổ chức livestream khiêu dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Từ dữ liệu CCCD và định danh điện tử, các trinh sát đã khoanh vùng, xác minh nhanh chóng danh tính hàng chục tài khoản mạng xã hội, người dùng ẩn danh, trong đó có nhiều đối tượng sử dụng công cụ ẩn IP, thuê địa chỉ nước ngoài, dùng ảnh giả để tránh bị truy dấu. Tuy nhiên, với năng lực phân tích hình ảnh, trích xuất đặc điểm khuôn mặt đối chiếu dữ liệu gốc, lực lượng điều tra đã xác định chính xác 6 đối tượng cầm đầu, giải cứu kịp thời 2 nạn nhân dưới 16 tuổi bị ép buộc tham gia các hoạt động khiêu dâm. Kết quả của chuyên án không chỉ mang ý nghĩa răn đe mà còn thể hiện trách nhiệm của lực lượng công an trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, một lĩnh vực đang được xã hội đặc biệt quan tâm.
Thượng tá Vũ Tiến Văn - Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) khẳng định: Điểm chung trong cả hai chuyên án là việc Công an tỉnh khai thác triệt để hiệu quả của Đề án 06 - đặc biệt là hệ thống định danh điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư liên thông và phần mềm tra cứu nghiệp vụ. Những dữ liệu tưởng như "vô tri" được số hóa đã trở thành vũ khí sắc bén giúp vạch trần các loại tội phạm ngụy trang dưới nhiều hình thức tinh vi.
Việc tích hợp các công cụ tìm kiếm theo ảnh khuôn mặt, nhận dạng giọng nói, mã hóa vị trí, đối chiếu sinh trắc học với dữ liệu gốc đã giúp rút ngắn quá trình phá án từ hàng tháng xuống còn vài ngày, thậm chí vài giờ. Đây chính là mô hình an ninh “thông minh”, lấy dữ liệu làm trung tâm để định hướng hành động nghiệp vụ chính xác, hiệu quả.
Kinh nghiệm nhìn từ 2 chuyên án
Thành công của lực lượng Công an Lai Châu không chỉ đến từ thiết bị công nghệ hay hệ thống dữ liệu hiện đại, mà quan trọng hơn là tư duy đổi mới, sẵn sàng học hỏi, không ngại thay đổi và dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các cán bộ chiến sỹ được đào tạo bài bản về kỹ năng số, bảo mật, phân tích dữ liệu, đồng thời được giao quyền chủ động trong khai thác, sáng tạo công cụ điều tra phù hợp với thực tiễn địa bàn.
Từ việc cấp CCCD gắn chip đến làm sạch dữ liệu dân cư, Công an tỉnh Lai Châu không coi đó chỉ là nhiệm vụ hành chính đơn thuần mà còn là nền tảng chiến lược trong bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả điều tra, truy vết và phòng ngừa tội phạm. Bằng việc liên thông, tích hợp các hệ thống dữ liệu - từ dữ liệu định danh, sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) đến dữ liệu tạm trú, tạm vắng, di biến động dân cư, các đơn vị nghiệp vụ đã triển khai nhiều phương án truy vết đối tượng, đối chiếu thông tin và phát hiện manh mối ngay cả khi tội phạm cố gắng che giấu danh tính hoặc hoạt động từ xa.
Dù là một tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng Công an tỉnh Lai Châu đã cho thấy sự quyết tâm và tư duy sáng tạo, hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, ứng dụng hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện đại. Thời gian tới, lực lượng công an địa phương sẽ tiếp tục mở rộng khả năng tích hợp dữ liệu từ các ngành khác như: ngân hàng, viễn thông, giáo dục, y tế… để không chỉ phục vụ điều tra tội phạm mà còn góp phần xây dựng chính quyền số, xã hội số an toàn, minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân. Với 2 chuyên án trên đã minh chứng rõ ràng cho việc kết hợp giữa dữ liệu số và trí tuệ nghiệp vụ đã mang lại bước đột phá trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Công an Lai Châu đang khẳng định vị trí tiên phong trong việc ứng dụng hiệu quả Đề án 06 và dữ liệu CCCD trong bảo vệ an ninh trật tự thời kỳ số hóa.
(Còn nữa)
Tin đọc nhiều

Thiếu nước sản xuất ở Chù Lìn

Kỳ 2: Ấm no nhờ có Đảng

Dân tộc Lự ở Tam Đường - Vững bước dưới cờ Đảng

Đuối nước ở trẻ em - Nỗi đau còn đó

Huyện Nậm Nhùn: Tích cực phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại

Tiêm vắc-xin cho vật nuôi: Cách phòng dại hiệu quả
Người dân Sàng Cải mong mỏi một con đường

Tăng cường quản lý kinh doanh dược phẩm








