

Nằm cách trung tâm huyện chừng 7km, xã Sà Dề Phìn có 7 bản với gần 100% đồng bào Mông đỏ sinh sống. Nằm ở độ cao trên 1.700m so với mực nước biển, cộng với địa hình, thời tiết khắc nghiệt, “nhiều đá, ít đất” nên những năm qua dù có cần cù, chịu khó đến mấy nhưng đói nghèo vẫn đeo bám người dân nơi đây.
Điều kiện khách quan mang lại chưa phải là tất cả lý do dẫn đến nhiều hộ gia đình người Mông phải lo ăn từng bữa mà nguyên nhân chính vẫn là những phong tục tập quán cũ mà cụ thể là nạn tảo hôn. Nhiều đứa trẻ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mới 12 – 13 tuổi đã bỏ học để về ở với nhau. Hệ lụy là khi những cặp vợ chồng vẫn còn suy nghĩ thơ ngây khi đang tuổi ăn, tuổi chơi là đã phải gánh vác trọng trách nặng nhọc của người làm cha, làm mẹ.
Cán bộ Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn hướng dẫn các bà mẹ cách chăm sóc trẻ em.
Có lẽ điều càng buồn hơn khi mà ngay cả cơ quan chức năng, trạm y tế xã hay chính quyền địa phương cũng chưa biết chính xác trên địa bàn có bao nhiêu cặp vợ chồng lấy nhau khi chưa đủ tuổi. Đơn giản là bao năm nay phong tục, tập quán lạc hậu của người dân vẫn bao chùm các bản làng. Chỉ cần trai gái thấy thích nhau là bố mẹ sẽ đến nhà nói chuyện và môt trâu, ngựa, làm cái lễ báo cáo với tổ tiên và mời hàng xóm, họ hàng đến chia vui.
Ông Sùng A Dờ - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết rằng, mỗi năm trên địa bàn xã có tới vài chục cặp vợ chồng trẻ được gia đình tổ chức cỗ bàn để về ở với nhau. Lấy nhau nhiều nhưng chẳng mấy đứa tới xã đăng ký kết hôn vì theo “lý” của bà con chỉ cần làm thủ tục thông báo với tổ tiên và mời họ hàng ăn cỗ là đủ. Nguyên nhân được ông chủ tịch xã đưa ra là đời sống bà con còn nghèo khó, chưa am hiểu nhiều về pháp luật và thường xuyên phải đi làm nương nên không để ý tới chuyện đó.
Có mặt tại bản Chang (bản trung tâm xã) khi cán bộ Trạm Y tế xã đang tổ chức tuyên truyền và hỗ trợ các bà mẹ “nhí” ở đây phương pháp, cách thức bổ sung dinh dưỡng cho trẻ. Khi được hỏi đã đăng ký kết hôn chưa thì cả 22 bà mẹ đưa con đến nghe tuyên truyền đều lắc đầu và hầu hết trong số đó làm mẹ lần đầu khi chưa đầy 18 và có trên 70% trẻ em ở đây suy dinh dưỡng.
Chị Triệu Thanh Hoa - cán bộ Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn cho biết: “Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn xã còn khá cao không chỉ do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn mà còn do cơ thể bà mẹ sinh nở khi chưa hoàn thiện. Vì vậy trẻ sinh ra đã yếu ngay từ khi lọt lòng”.
Nạn tảo hôn đang là nguyên nhân nghèo đói và làm suy thoái giống nòi ở của đồng bào Mông đỏ ở xã Sà Dề Phìn. Đừng để quá muộn, đã đến lúc các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có chế tài phù hợp để ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở đây vì trẻ em hôm nay là tương lai thế giới ngày mai.
Tin đọc nhiều

Kỳ 3: Để Đề án 06 trở thành trụ cột bền vững của chuyển đổi số

Kỳ 2: Giá trị nhân văn và phục vụ an sinh từ Đề án 06
Nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm
Hành trình “số hóa” ở vùng biên

Phát hiện 720kg mì chính thiếu thông tin xuất xứ hàng hóa

Thiếu nước sản xuất ở Chù Lìn

Kỳ 2: Ấm no nhờ có Đảng

Dân tộc Lự ở Tam Đường - Vững bước dưới cờ Đảng








