

Những ngày đầu năm học mới, tỷ lệ huy động học sinh của Trường Tiểu học, THCS Bản Hon tương đối tốt. Tuy nhiên chỉ có duy nhất tại bản Hoa Dì Hồ tỉ lệ học sinh ra lớp đạt rất thấp. Tại điểm bản này có 34 em học sinh dân tộc Mông học cấp THCS nhưng chỉ có 2 em đăng kí ở bán trú, số học sinh còn lại duy trì tỉ lệ chuyên cần chỉ đạt từ 30 - 40% tổng số học sinh của bản. Nguyên nhân là do đời sống của dân tộc Mông nơi đây còn nhiều khó khăn; phong tục tập quán còn lạc hậu; một bộ phận phụ huynh chưa coi trọng việc học của các em, trường cách xa nhà nên việc đi học chưa được duy trì…
Vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tham mưu với chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đến từng gia đình học sinh để tuyên truyền, vận động phụ huynh quan tâm tới việc học của con em mình. Đồng thời, phân tích quyền lợi theo Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND, ngày 29/3/2022 của HĐND tỉnh Lai Châu (Quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở bán trú tại các xã, thôn, bản khu vực III chuyển thành các xã, thôn bản khu vực I theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh) mà các em được hưởng khi ở bán trú.
Cùng với đó, nhà trường đã vận động xã hội hóa từ các nhà hảo tâm để trao tặng những món quà như: vở, bút, đồng phục… cho các em học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhờ đó, đến nay bản Hoa Dì Hồ có 32/34 em ở bán trú, 2 em đi về trong ngày và nâng tỉ lệ chuyên cần học sinh của bản đảm bảo kế hoạch đề ra.
Giáo viên Trường Tiểu học, THCS Bản Hon tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp tại bản Hoa Dì Hồ, xã Bản Hon.
Đồng chí Hoàng Đình Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS Bản Hon cho biết: “Sau khi Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới phụ huynh về chế độ các em học sinh được hưởng khi ở bán trú (chế độ theo Nghị quyết 04 hưởng 30% tháng lương cơ bản là 447.000đ/tháng và chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81 là 150.000đ/tháng, nâng lên tổng số tiền học sinh được hưởng là 597 nghìn đồng/tháng).
Đồng thời, chúng tôi vận động phụ huynh đóng góp 10kg gạo/tháng phục vụ việc ở bán trú tới trường; xây dựng quỹ xã hội hóa, tặng những phần quà cho các em học sinh khó khăn, mồ côi… để quan tâm, động viên các em. Cùng với đó, từ đầu năm học đến nay, nhà trường huy động các nguồn tài trợ từ nhà hảo tâm ủng hộ các em học sinh sách, vở, quần áo, chăn ấm… Từ đó, bà con đã quan tâm tới việc học tập của các em, khuyến khích học sinh đi học đầy đủ, tỉ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt trên 99%”.
Năm học 2022-2023, theo kế hoạch Trường THCS Bản Giang có 9 lớp, huy động 297 học sinh. Tuy nhiên, vào thời điểm đầu năm tỉ lệ huy động học sinh ra lớp chỉ đạt trên 80%, một số học sinh có nguy cơ bỏ học. Nguyên nhân do các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường xuyên đi làm ăn xa. Theo thống kê của nhà trường có 55 em có bố, mẹ đi làm ăn ngoại tỉnh, không có người lớn ở nhà quán xuyến việc học tập. Vì vậy, có những thời điểm các em lơ là, không có tư tưởng đi học.
Đồng chí Nguyễn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Giang chia sẻ: “Đứng trước tình hình đó, nhà trường áp dụng nhiều giải pháp, trong đó chúng tôi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình học sinh; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc, cùng với nhà trường sát sao đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên liên lạc với gia đình, tuyên truyền tới phụ huynh mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cũng nên sắp xếp bố hoặc mẹ ở nhà để thường xuyên nắm bắt tình hình học tập của con em mình; phối hợp chặt chẽ với nhà trường cho các em đi học.
Ngoài ra, chúng tôi phân công giáo viên, nhân viên trong nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm có tỉ lệ chuyên cần thấp tới tuyên truyền tại từng gia đình. Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động tập thể để thu hút học sinh tới trường. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp, đến nay tỉ lệ chuyên cần của nhà trường đạt trên 90%".
Năm học 2022-2023, toàn huyện Tam Đường có 35 trường với tổng số 629 lớp học, 16.015 học sinh. Tỉ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học: nhà trẻ, mầm non, tiểu học đạt kế hoạch đề ra, chỉ gặp khó khăn đối với cấp THCS.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thủy - Phó Trưởng Phòng GĐ&ĐT huyện Tam Đường cho biết: “Ngay từ đầu năm học, với sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp đã huy động học sinh ra lớp đảm bảo kế hoạch đề ra. Nhưng bên cạnh đó, còn một số học sinh cấp THCS chưa ra lớp, do nhiều nguyên nhân như: học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh hiện tại không ở trên địa bàn huyện mà theo cha mẹ đi làm ăn xa.
Trước thực trạng đó, Phòng đã chỉ đạo các trường học tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phổ cập xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, đến nay, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp các cấp học: nhà trẻ (24 - 36 tháng) đạt 25,7%; đối với mẫu giáo (3 - 5 tuổi) đạt 100%, huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99%; học sinh trong độ tuổi THCS đến trường đạt 95%”.
Những giải pháp huy động học sinh ra lớp phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể mà huyện Tam Đường đã và đang triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc kéo giảm tình trạng học sinh bỏ học, góp phần để ngành GD&ĐT huyện thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế hoạch năm học 2022-2023 đã đề ra.
Tin đọc nhiều

An cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Người dân có thể tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công và Ứng dụng ngân hàng

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH năm 2026
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình liệt sỹ trước 27/7, gia đình người có công trước 2/9

Huyện Than Uyên: Dông, lốc làm sập 7 ngôi nhà

Khánh thành và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa
“Công nghệ mở lối - Giáo dục bứt phá”








