

Công việc thường ngày của chị Lường Thị Hoán - cán bộ chuyên trách Chương trình Phòng, chống suy dinh dưỡng, Trạm Y tế xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn là thăm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là các trường hợp trẻ suy dinh dưỡng. Cùng với y tế bản, chị thường xuyên đến từng hộ gia đình để thăm khám tại nhà, kết hợp tuyên truyền, tư vấn cho các bố, mẹ về cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
Chị Hoán chia sẻ: Nhận thức của Nhân dân các bản khá tốt nên Chương trình Phòng, chống suy dinh dưỡng luôn được đón nhận, hưởng ứng. Ngay cả ở các bản có điều kiện giao thông, kinh tế khó khăn như: Nậm Vạc 1, Nậm Vạc 2… cũng được triển khai tích cực. Mỗi khi tổ chức các hoạt động của chương trình như: thực hành dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng… thu hút rất đông các bà, mẹ và các gia đình tham gia.
Người dân xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn kiểm tra sức khoẻ tại Trạm y tế xã.
"Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng của xã Nậm Ban còn trên 29%, suy dinh dưỡng chiều cao là trên 23% tập trung ở đồng bào dân tộc Mông và Mảng. Để Chương trình Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ đến được với người dân, chúng tôi phải rất nỗ lực, trong quá trình triển khai gặp không ít thách thức do hệ thống giao thông của xã còn khó khăn, cách trở, nhiều bản phải đi bộ xa hàng chục cây số, bất đồng ngôn ngữ” - chị Hoán nhấn mạnh.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới. Do trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất của bộ phận đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, thu nhập và đời sống của người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh còn chiếm tỷ lệ cao. Trước đây, phần vì cuộc sống khó khăn, phần do nhận thức còn hạn chế, nên người dân các xã, bản trong tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa mấy quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Do vậy, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt kiến thức về chăm sóc sức sinh sản, dinh dưỡng khi mang thai cũng là tình trạng chung của không ít chị em, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Với bà con các dân tộc thiểu số, quá trình mang thai hay chăm sóc con hầu như không được bổ sung các vi chất dinh dưỡng, mà chỉ ăn uống như những ngày bình thường khác.
Nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đã và đang huy động các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh vào cuộc, trong đó ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt. Hàng loạt các chương trình, hoạt động về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được triển khai tại các huyện, thành phố trong tỉnh, với sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, ngành Y tế Lai Châu đã thường xuyên củng cố, kiện toàn mạng lưới chuyên trách và đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho người dân, nhất là với chị em phụ nữ người dân tộc. Tổ chức các lớp học truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ cũng như cách chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ cho bà mẹ đang nuôi con bú, bà mẹ có con suy dinh dưỡng và phụ nữ đang mang thai...
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Thắng – Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: Ngoài đẩy mạnh các hoạt đồng truyền thông, ngành Y tế còn triển khai kế hoạch, giám sát hỗ trợ cân, đo trẻ đồng loạt từ 0 - 5 tuổi, kết hợp cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A; xây dựng kế hoạch cấp phát viên đa vi chất hàng tháng cho phụ nữ có thai và bà mẹ sau đẻ 1 tháng tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông ngày vi chất dinh dưỡng; triển khai kế hoạch thực hành dinh dưỡng cho trẻ từ 0 - 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và bà mẹ có thai... Qua các hoạt động truyền thông, tư vấn, nhận thức của chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh về phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã được nâng lên. Bà con các dân tộc trong tỉnh đã quan tâm hơn tới việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày cho trẻ cũng như khi mang thai. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh cũng nhờ đó mà được cải thiện.
Được biết, tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch và triển khai trong toàn tỉnh Chương trình "Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam". Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đưa chỉ tiêu về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời với các chỉ tiêu dinh dưỡng của các chương trình có liên quan; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và hướng dẫn thực hành áp dụng theo thực đơn…
Nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh giảm qua các năm. Nếu như, năm 2017, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh là 21,85%, thì đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 18,71% góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện, đảm bảo về sức khỏe thể chất, trí tuệ.

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa

Thị trấn Nậm Nhùn: Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc
Lan tỏa giá trị nhân văn từ hành trình chữa lành cho những trẻ em kém may mắn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa Pháp lệnh Dân số, bỏ quy định sinh 1 hoặc 2 con
Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và dịch bệnh mùa mưa bão

Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Đẩy mạnh công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên




