

Thành lập và đi vào hoạt động 3 năm nay, HTX Sâm Lai Châu ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) không ngừng lớn mạnh và phát triển. Từ vài trăm mét vuông diện tích trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay HTX đã nhân rộng mô hình trồng sâm Lai Châu lên gần 3ha tại xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ). Với nguồn nguyên liệu này, HTX tích cực đăng bán cây giống trên mạng xã hội, qua website của đơn vị; chế biến thành các sản phẩm: rượu sâm, lá sâm khô, sâm ngâm mật ong cung cấp ra thị trường.
HTX Sâm Lai Châu đăng bán các sản phẩm trên website htxsamlaichau.vn.
Thành lập và đi vào hoạt động 3 năm nay, HTX Sâm Lai Châu ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) không ngừng lớn mạnh và phát triển. Từ vài trăm mét vuông diện tích trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay HTX đã nhân rộng mô hình trồng sâm Lai Châu lên gần 3ha tại xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ). Với nguồn nguyên liệu này, HTX tích cực đăng bán cây giống trên mạng xã hội, qua website của đơn vị; chế biến thành các sản phẩm: rượu sâm, lá sâm khô, sâm ngâm mật ong cung cấp ra thị trường.
Anh Triệu Tiến Nải - Giám đốc HTX Sâm Lai Châu phấn khởi nói: Để các sản phẩm, cây giống của HTX được nhiều người biết đến, chúng tôi tăng cường quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội: facebook, zalo, youtube, website. Tìm các đơn vị tiêu thụ sản phẩm, mua cây giống qua các trang hội, nhóm doanh nghiệp về sâm. Bên cạnh đó, HTX sử dụng phần mềm ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, công tác tài chính, trả lương qua tài khoản cho công nhân. Trên vườn sâm, lắp đặt camera giám sát; sử dụng hệ thống nước tưới tự động. Hiện nay, doanh thu mỗi năm của HTX trên 2 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động địa phương.
Trong xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số được coi là đòn bẩy, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế HTX phát triển. Tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Chuyển đổi số là “chìa khóa” để mở ra trang mới trong phương thức quản lý, hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác, HTX.
Cụ thể hoá những chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế HTX trên địa bàn. Ông Bùi Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động các HTX ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm; sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Hằng năm, đơn vị tổ chức cho các HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong nước; phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, thành viên HTX. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX tham gia Chương trình OCOP.
Từ năm 2023 đến nay, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế hợp tác tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX và thành viên trong HTX; hỗ trợ cho 48 lượt HTX tham gia hội chợ trong nước. Qua đó, giúp các HTX tìm kiếm, kết nối với bạn hàng, đối tác để tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX Nông Công nghiệp và Thương mại Du lịch (huyện Than Uyên) đã mở các cửa hàng, đại lý văn phòng và ký kết tiêu thụ sản phẩm (chả cá, ruốc cá) tại 35 hệ thống siêu thị, đại lý, bếp ăn; HTX Nông nghiệp, dược liệu công nghệ cao SUKOVA (thành phố Lai Châu) mở 2 đại lý, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm đông trùng hạ thảo tại Hà Nội và Hải Phòng...
Từ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, các HTX trên địa bàn chủ động hơn trong đầu tư máy móc hiện đại để giảm sức lao động, chi phí và tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Điển hình như: HTX Biên Cương (huyện Phong Thổ) đầu tư máy sấy chè, sao chè cổ thụ; HTX Nông nghiệp Mường Mít (huyện Than Uyên) sử dụng máy hạ thuỷ phần mật ong để tách nước trong mật ong đảm bảo mật ngon, sánh mịn, bảo quản lâu. Mặt khác, nhiều HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao làm nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP: dưa lưới, nho, cà chua, dưa leo…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 413 HTX và 2 quỹ tín dụng nhân dân. Tính đến thời điểm này, đa số các HTX đã trang bị máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng và được kết nối mạng Internet. Trong đó, 1,3% HTX, quỹ tín dụng nhân dân áp dụng internet, phần mềm trong hệ thống quản lý điều hành, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh; 12,7% số HTX đăng ký khai thác và sử dụng website để bán hàng; 3% số HTX đang hoạt động tham gia giới thiệu, bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại; 70% HTX sử dụng mạng xã hội: facebook, google, zalo… tra cứu thông tin, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Nhờ đó, năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX tăng rõ rệt. Hiện tại, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt trên 1,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 39 HTX sở hữu 78/204 sản phẩm OCOP được công nhận; các HTX thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 3.765 lao động với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa









