

Dọc các cung đường từ xã Hoang Thèn sang Ma Li Pho, chúng tôi thấy mọi người đang xếp những bao tải sắn củ. Theo lời chia sẻ của bà con, năm nay sắn được mùa, giá cao hơn mọi năm. Nghe giọng nói, nhìn cử chỉ, hành động, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người dân.
Ngược cung đường, chúng tôi lên thăm vùng nguyên liệu mía lớn nhất của huyện ở bản Lèng Xuôi Chin, Tả Lèng, Xin Chải… Khắp các đồi một màu xanh của mía trải dài bạt ngàn. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mía chưa thể xuất khẩu được như mọi năm. Tuy nhiên, Hợp tác xã (HTX) Nông sản Lai Châu – đơn vị ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con đã nỗ lực tìm phương án để thu mua mía theo như hợp đồng. Hiện tại, HTX đang triển khai thu mua mía ở một số gia đình nấu thành mật, cung cấp cho các nhà máy mía đường trong nước.
Người dân bản Mồ Sì Câu (xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ) thu hoạch sắn.
Ông Phàn Vần Quang (ở bản Lèng Xuôi Chin) chia sẻ: Vùng đất trồng mía này trước đây là đất lúa nương bạc màu, chúng tôi chuyển sang trồng mía. Vụ trước, gia đình tôi trồng 3.300m2, lúc thu hoạch được 39 tấn bán cho HTX, trừ phân bón, giống ứng trước còn thu về gần 30 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi tiếp tục trồng. Hiện nay, mía đã được thu hoạch, mong là sẽ bán được sớm và giá cao để đầu tư trồng vụ mía mới. Ngoài cây mía, mỗi năm gia đình tôi cấy 2 sào lúa nước, 1 sào ngô đủ phục vụ sinh hoạt gia đình và chăn nuôi; thu nguồn lợi từ cây sắn bình quân hơn 40 triệu đồng/năm. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, cuộc sống ngày càng nâng lên.
Hoang Thèn là xã vùng thấp của huyện Phong Thổ. Toàn xã có 9 bản với hơn 760 hộ dân. Tuy vậy, nhiều bản ở vùng núi cao, vùng xa cuộc sống của bà con còn nghèo, khó khăn vất vả. Vì vậy, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Trong đó, giải pháp đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp được đặt lên trước mắt cùng với công tác quy hoạch vùng sản xuất dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, từng bản. UBND đã tập trung chỉ đạo các bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa thị trường; đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng; sử dụng máy móc hiện đại để giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Đồng chí Chang Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn cho biết: Xã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo các đề án, nghị quyết của tỉnh, huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận nhiều nguồn vốn vay để phát triển kinh tế thoát nghèo. Chỉ đạo cán bộ, công chức chuyên môn thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ sản xuất nông nghiệp ở các bản đảm bảo theo thời vụ; chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng; phòng chống rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hiện nay, bên cạnh việc duy trì cấy lúa nước với tổng diện tích gần 200ha (trong đó, lúa đông xuân 60ha), trên 50ha ngô, lạc, đậu tương đảm bảo nguồn lương thực và phục vụ chăn nuôi, xã Hoang Thèn đã hình thành được các chuỗi giá trị hàng hóa tập trung với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Điển hình có: 200ha sắn, 282ha chuối, 23ha riềng, nghệ đen, 60ha mía; 63ha cây cao su tiểu điền; hơn 100ha xoài, nhãn; tổng sản lượng các cây trồng đạt trên 66.000 tấn/năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã hơn 9.000 con.
Ngoài ra, xã xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu chè cổ thụ xã Hoang Thèn. Mới đây, xã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện vận động Nhân dân bản Xin Chải, Tả Lèng trồng được 30ha chè cổ thụ nhằm hướng tới bảo tồn, phát triển vùng chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch sinh thái tại 2 bản này.
Với nhiều giải pháp thực hiện, đời sống của người dân xã Hoang Thèn đã nâng lên rõ rệt, hộ nghèo giảm. Thu nhập bình quân của xã đạt 26 triệu đồng/người/năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22% (theo tiêu chí cũ). Hy vọng rằng, tới đây khi HTX Nông sản Lai Châu tìm được các đơn vị tiêu thụ mía đường; xoài và nhãn cho sản phẩm thu hoạch thì thu nhập bà con nơi đây sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tin đọc nhiều

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

175 cán bộ Hội CCB tham gia tập huấn công tác giảm nghèo năm 2025

Khai mạc Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025

Tam Đường: Linh hoạt trong công tác giảm nghèo

Thị trường bất động sản: Tín hiệu lạc quan

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia” và ra mắt Văn phòng đại diện ACTIV tại tỉnh Lai Châu










