

Nhiều năm trước đây, hơn 2ha đất đồi của gia đình ông Lò Văn Sòi ở bản Nà Hiềng chỉ trồng ngô, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đời sống của gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng chè.
Người dân bản Nà Hiềng (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường) thu hoạch chè.
Gia đình ông được hỗ trợ giống, phân bón, đồng thời được cán bộ nông nghiệp huyện Tam Đường, xã Nà Tăm hướng dẫn kỹ thuật làm đất, ban tầng, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kĩ lưỡng. Nhờ đó, toàn bộ diện tích chè sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi lứa thu được 1-1,5 tấn chè búp tươi, mang lại cho gia đình ông 100 triệu đồng/năm.
Trước đây, Nà Tăm là xã khó khăn của huyện Tam Đường, tỷ lệ hộ nghèo cao. Để góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, năm 2015 xã lựa chọn cây chè đưa vào trồng thí điểm. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, bà con nhân dân nơi đây đánh giá cây chè phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng chính là tiền đề để xã Nà Tăm thực hiện “Đề án phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao trên địa bàn huyện Tam Đường” từ năm 2017.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng chè. Theo chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ công "ban tầng" là 15 triệu đồng/ha, 100% giống, phân bón trong năm thứ nhất, từ đó người dân trong xã đồng tình, mạnh dạn đăng kí trồng chè. Từ đầu năm đến nay, xã trồng mới 19ha chè, hiện tổng diện tích chè toàn xã là 228ha, trong đó chè kinh doanh trên 180ha, năng suất đạt 78 tạ/ha, sản lượng 1.400 tấn/năm.
Tại xã Nà Tăm, giống chè được trồng chủ yếu là: shan tuyết, kim tuyên; các giống chè này cho năng suất cao, giá thành ổn định. Để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật; áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; chủ động phòng, chống sâu bệnh… Đồng thời, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức cho người dân trên địa bàn tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt để bà con học hỏi kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc chè.
Sau 8 năm gắn bó trên đồng đất của xã Nà Tăm, cây chè đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét, trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ trồng chè, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh (chỉ còn 23,69%), diện mạo nông thôn xã vùng cao ngày một đổi thay.

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

175 cán bộ Hội CCB tham gia tập huấn công tác giảm nghèo năm 2025

Khai mạc Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025










