

Lai Châu có nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, mạng lưới sông suối khá dày, độ dốc lớn là điều kiện để phát triển CN, TTCN. Nhằm khai thác lợi thế đó, tỉnh Lai Châu đã ban hành các nghị quyết, chính sách tạo điều kiện pháp lý quan trọng để sản xuất công nghiệp phát triển. Ban hành quy chế hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh và chương trình khuyến công Lai Châu để các doanh nghiệp xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào trong sản xuất, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Công nhân Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Thương mại Thủy Nam sản xuất tôn xốp.
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng chú trọng xây dựng đồng bộ các quy hoạch trong lĩnh vực công nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ CN – TTCN dần được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng dự án. Công tác đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề và trang bị các kiến thức, kỹ năng trong sản xuất công nghiệp được quan tâm. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường được chú trọng, vừa tạo thuận lợi khuyến khích đầu tư phát triển, vừa có tác dụng ngăn ngừa ô nhiễm. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 4 làng nghề và 1 nghề truyền thống, gồm: 1 làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc tại bản San Thàng 1 (xã San Thàng, thành phố Lai Châu); 3 làng nghề sản xuất miến dong tại bản Thống Nhất, Hoa Lư, Vân Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) và nghề nấu rượu ngô truyền thống tại bản Sùng Chô (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu).
Để phát triển công nghiệp chế biến, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch diện tích vùng nguyên liệu, theo đó diện tích dong giềng đã quy hoạch được hơn 160ha tập trung tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường. Sản lượng hàng năm đạt gần 200 tấn miến dong; đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa miến dong Tam Đường và miến dong Bình Lư. Các sản phẩm miến dong liên tục đạt giải sản phẩm tiêu biểu khi tham gia các Hội chợ triển lãm hàng Công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc. Toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và trên 210 hộ sản xuất rượu. Tỉnh cũng đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rượu Mông Kê; rượu Táo Mèo, rượu Pu Sam Cáp. Ngoài ra, các sản phẩm thổ cẩm như: chăn, ga, gối, đệm, quần, áo, váy... dần tạo dựng thương hiệu trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân và khách tới tham quan, du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện còn có 1 doanh nghiệp tại huyện Sìn Hồ và 1 Hợp tác xã tại huyện Nậm Nhùn sản xuất tăm hương, công suất thiết kế 690 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu sản xuất khai thác tại huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Sản phẩm cung ứng cho thị trường Lai Châu và các tỉnh lân cận trong khu vực. Hiện tại có doanh nghiệp đã thương thảo hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Điểm nhấn trong phát triển CN, TTCN của tỉnh thời gian qua đó là đưa dây chuyền sản xuất tôn xốp cách âm cách nhiệt vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu xây dựng của thành phố và các huyện trong tỉnh. Ông Phạm Văn Nam - đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Thương mại Thủy Nam (thành phố Lai Châu) chia sẻ, từ nguồn vốn hỗ trợ gần 400 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công Quốc gia, Công ty đã đầu tư thêm gần 14 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất tôn xốp chống nóng, cách âm, cách nhiệt. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến với công suất thiết kế 80.000m2/năm, đảm bảo đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về chống nóng, cách âm, cách nhiệt. Ngoài ra sản phẩm còn có nhiều ưu điểm vượt trội như: phòng cháy tốt, dễ dàng thi công lắp đặt với mọi hình dạng mái lợp; chống thấm, dột; không bị rò nước… Sản phẩm nhanh chóng tìm được chỗ đứng trên thị trường đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn với mức thu nhập ổn định.
Để thúc đẩy phát triển CN, TTCN, tỉnh Lai Châu cũng quan tâm quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp, trong đó, quy hoạch chi tiết 1 khu, 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích 375ha. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất CN-TTCN đã đạt được một số kết quả nhất định, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 727,3 tỷ đồng (năm 2015), tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008-2015 đạt 25,8%. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ CN-TTCN phát triển dần được hoàn thiện như: Hệ thống điện, đường giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước sinh hoạt... là những điều kiện để các cơ sở công nghiệp ở khu vực nông thôn phát triển. Thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp cũng có chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng dự án. Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 90 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất công nghiệp... Qua đó, thúc đẩy CN - TTCN của tỉnh có bước phát triển mới với nhiều hình thức sản xuất đa dạng, phong phú, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Tuy nhiên để CN – TTCN phát triển theo hướng bền vững tỉnh cũng cần tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế gắn với vùng nguyên liệu như công nghiệp khai khoáng vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, tạo động lực thúc đẩy sản xuất... Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh










