

Mô hình nuôi bò của người dân xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn).
Chúng tôi có dịp đến thăm một số xã có mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện. Tại xã Nậm Ban, thay vì thả rông gia súc phó mặc cho tự nhiên như trước đây, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn xã đầu tư xây dựng chuồng trại, khoanh vùng chăn thả tập trung, chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng thêm cỏ để tạo thêm nguồn thức ăn và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Chị Chìn Me Long - hộ chăn nuôi ở bản Nậm Ô, xã Nậm Ban chia sẻ: “Từ khi chuyển sang chăn nuôi có chuồng trại, chủ động chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên đàn trâu, bò của gia đình tôi phát triển nhanh hơn trước. Đến nay, gia đình tôi có hơn 40 con trâu, bò nếu tính theo giá thị trường bây giờ nhà tôi có khoảng hơn 600 triệu đồng từ đàn gia súc”.
Nậm Hàng là địa phương có đàn gia súc lớn nhất huyện với tổng đàn 4.840 con. Ngoài 25 điểm chăn nuôi tập trung được quy hoạch và chia đều cho các bản trên địa bàn, xã còn vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung nguồn thức ăn chăn nuôi; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn cách chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn chăn nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Anh Đinh Văn Xanh - Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng cho biết: “Nếu so sánh giá trị kinh tế với trồng trọt truyền thống thì chăn nuôi đại gia súc vẫn có ưu thế lớn hơn rất nhiều. Trên thực tế, trâu, bò… vẫn là tài sản có giá trị kinh tế cao nhất đối với người nông dân miền núi, vừa có giá trị kinh tế vừa là chỗ dựa tin cậy của mỗi gia đình khi cần giải quyết những công việc quan trọng”.
Ngoài cơ chế hỗ trợ theo chủ trương chung của Trung ương, tỉnh, trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, huyện đề ra những chủ trương, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế vùng, trong đó có việc tập trung triển khai, xây dựng, phát triển chăn nuôi. Đặc biệt, với việc ban hành Nghị quyết về việc phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo thêm động lực cho người dân, đưa phát triển chăn nuôi đại gia súc thành định hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương trên cơ sở khai thác thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh nghiệm của người dân trong chăn nuôi để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt khoảng 5 - 6%/năm, huyện có nhiều chính sách ưu đãi giúp Nhân dân phát triển đàn gia súc. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đầu tư vào địa bàn, người dân được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kinh phí xây dựng chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ thuốc, vắc-xin tiêm phòng… thông qua các chương trình 30a, 135/CP, đề án 3 dân tộc, các mô hình phát triển chăn nuôi của các tổ chức, đoàn thể, xã, thị trấn…
Tạo điều kiện thuận lợi cho nông hộ, hợp tác xã trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay, các tổ chức đoàn thể của huyện, xã đã chủ động phối hợp với các ngân hàng ký ủy thác, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để người dân đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn, hiện nay, tổng dư nợ của ngân hàng 146.953 triệu đồng. Trong đó, phần đa nguồn vốn vay được người dân đầu tư phát triển kinh tế, vốn vay được người dân sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Cùng với hỗ trợ về vốn, giống từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, huyện đang tích cực chỉ đạo và phối hợp, liên kết với các ngành, đơn vị chuyên môn mở lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho nông dân về phòng, chữa bệnh cho đàn gia súc; tiếp tục trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả phát triển chăn nuôi”.
Tin rằng, với những quyết sách, định hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Nậm Nhùn trong việc hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc sẽ là đòn bẩy trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh










