

Không giống như nhiều năm trước đây, Nhân dân các bản thuộc xã San Thàng (thành phố Lai Châu) chỉ “trung thành” với cây lúa. Đói, no chỉ trông chờ vào việc tự sản xuất lương thực tại chỗ, dù có những khu vực nước chỉ đủ sản xuất 1 vụ trong năm. Nhưng các nhà nông vẫn chưa bao giờ nghĩ sẽ thay đổi tư duy để đưa cây trồng khác vào thâm canh, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Vậy mà khoảng 5 năm trở lại đây, luồng gió mới, tư duy mới giống như một “cuộc cách mạng” đã hiện hữu trên các cánh đồng lúa ở San Thàng.
Sau thời gian nghiên cứu chất đất, khí hậu, nguồn lao động tại chỗ, nhiều người dân tận các tỉnh miền xuôi lên thuê diện tích đất trồng lúa của người dân để trồng hoa (chủ yếu là hoa hồng). Cho thuê đất nhưng chính các chủ đất lại trở thành nguồn lao động tiềm năng cho người thuê đất trồng hoa, do vậy, họ vừa có nguồn thu nhập từ cho thuê đất nhưng vẫn có công ăn việc làm ổn định mà không mất gì.
Diện tích trồng hoa hiện tại của xã San Thàng (thành phố Lai Châu) được chuyển đổi từ đất lúa.
Học theo cách làm ở thành phố, hiện nay việc chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa đã lan tỏa sang các huyện Tam Đường, Tân Uyên. Theo số liệu thống kê gần đây nhất, đến nay, toàn tỉnh có tổng số 107,8ha hoa hồng, trong đó thành phố Lai Châu chiếm tới 76,7ha, huyện Tam Đường: 27,6ha, Tân Uyên: 3,6ha. Diện tích này được 75 cá nhân tham gia với hình thức thuê đất của các hộ gia đình, trong đó, 95,3ha chuyển đổi trồng hoa trên đất lúa và 12,5ha chuyển đổi từ cây trồng khác.
Nhìn vào bức tranh nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đã cho thấy rõ sự chuyển đổi mạnh mẽ, vượt bậc trong quá trình sử dụng đất. Cụ thể là giai đoạn 2017-2020 vừa qua đã có 1.074,5ha được chuyển đổi, trong đó: diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 288,5ha (như: ngô, hoa, rau màu, dược liệu...). Qua tính toán hiệu quả cho thấy kinh tế thu được cao hơn từ 1,5 - 3 lần so với trồng lúa. Đối với diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 776,8ha (chủ yếu cây ăn quả: đào, lê, chuối, chanh leo, quế, sơn tra, chè…) hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 - 4 lần so với trồng lúa. Riêng cây quế và sơn tra chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế do đang trong quá trình sinh trưởng, chưa cho thu hoạch. Ở những diện tích trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 9,2ha, hiệu quả kinh tế thu được cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với trồng lúa.
Có thể dẫn ra một số ví dụ chứng minh cho hiệu quả chuyển đổi đất lúa, trong đó phải kể đến mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây Actiso. Thực hiện mô hình này, Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thương mại Hà Sơn (thành phố Lai Châu) liên kết với bà con nông dân thị trấn Sìn Hồ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm Actiso với quy mô 25ha. Tham gia mô hình liên kết, các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ phân bón, tập huấn kỹ thuật…, năng suất đạt 60 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được trên 120 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ngoài ra, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Uyên thực hiện với diện tích 2.000m2 cũng được đánh giá là hiệu quả vượt bậc. Với giống dưa lưới Hà Lan, sau 3 tháng trồng đã thu được khoảng 7 tấn quả, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận đạt 50 triệu đồng/2.000m2 (tương đương khoảng 250 triệu đồng/ha). Một mô hình hiệu quả nữa có thể kể đến là việc liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo đặc sản Tẻ râu giữa Công ty TNHH Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc với nông dân các xã Bản Lang, Nậm Xe, Dào San (huyện Phong Thổ) trên quy mô 120ha. Theo đó, các hộ tham gia liên kết được Công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất và cung ứng phân bón trả chậm, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Lợi nhuận thu được trên 50 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với trồng các giống lúa khác.
Qua tìm hiểu tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng 186ha, trong đó chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 50ha; chuyển đổi sang trồng cây lâu năm 136ha. Đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong năm 2022 với tổng diện tích lên tới 526,8ha gồm đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong công tác chuyển đổi đất lúa hiện gặp không ít khó khăn do diện tích chuyển đổi manh mún, nhỏ lẻ, vì vậy, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa được như mong muốn.
Với tiềm năng đất đai dồi dào như vậy song các doanh nghiệp tìm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn rất khiêm tốn, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đòi hỏi đầu tư lớn, kỹ thuật cao, trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống thủy lợi, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch… vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.
Để thúc đẩy chuyển đổi đất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế, thiết nghĩ các bộ, ngành Trung ương cũng như tỉnh cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường giới thiệu, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ, chế biến sản phẩm để ngành Nông nghiệp tỉnh có những bước chuyển bền vững và hiệu quả hơn.
Tin đọc nhiều

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương

Cuộc sống mới ở Phăng Sô Lin

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa nông nghiệp

Tập trung chăm sóc cây mắc-ca

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh










