

Ông Cà Văn Hạnh - Trưởng bản TĐC Phiêng Quang cho biết: “Bản TĐC Phiêng Quang nay đã no ấm nhiều rồi, cảnh thiếu ăn chỉ còn trong ký ức. Mấy năm nay, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, nhà nào cũng gói bánh chưng xanh, có thịt, cá để bày mâm cơm cúng tết”. Đúng như lời giới thiệu của ông Hạnh, vùng đất này đã và đang thức dậy từng ngày không chỉ bởi sắc xuân mà con người bản TĐC Phiêng Quang trở nên mới mẻ hơn, những ngôi nhà sàn lợp mái prôximăng, chuồng trại chăn nuôi được bà con bố trí cách xa nhà ở, không gây ô nhiễm môi trường như ở bản cũ…
Các hộ dân trong bản phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi.
Theo lời kể của ông Hạnh, người dân trong bản chuyển về vùng đất này đã được 8 năm. Ở bản cũ vào mùa mưa, cả bản phải chịu cảnh ngập úng do nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao dẫn đến giao thông tắc nghẽn, bản làng bị cô lập. Gia súc, gia cầm, hoa màu bị thiệt hại, nhiều gia đình vì thế không dám nghĩ đến việc chăn nuôi, trồng trọt nên thiếu đói diễn ra triền miên, nhất là những ngày giáp hạt. Khi chuyển về bản mới, bà con trong bản đã thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đầu tiên là những mô hình kinh tế do xã, huyện làm thử nghiệm tại bản, bà con đã có cái nhìn khác về sản xuất nông nghiệp, thay giống lúa mới, đầu tư thêm phân bón cho đồng ruộng, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Để phát triển kinh tế, 55 hộ dân gồm 309 nhân khẩu trong bản không chỉ dựa vào gần 20ha ruộng nước mà còn chia sẻ kinh nghiệm với nhau về chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Nhiều hộ trong bản có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi lợn, gà, trâu và đào ao thả cá. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Cà Văn Phúc - một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế của bản. Ấn tượng đầu tiên đầy thiện cảm với chúng tôi là ngôi nhà sàn khang trang, bề thế, ấm áp của gia đình. Trên bàn thờ tổ tiên, mâm ngũ quả với những sản vật cây nhà lá vườn được gia đình ông Phúc chuẩn bị tươm tất. Mời chúng tôi chén rượu ngô thơm nồng, ông Phúc cho biết: “Về nơi ở mới, bà con được cán bộ nông nghiệp huyện chỉ dẫn nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Tết này, hầu như nhà nào cũng có mâm cỗ đủ món mời tổ tiên về đón năm mới. Nếu ở nơi cũ thì không được hưởng cuộc sống thế này”.
Được biết, trước đây gia đình ông Phúc là hộ khó khăn trong bản nhưng nhờ được vay vốn của các quỹ tín dụng, gia đình ông phúc đã có vốn đào 500m2 ao thả cá và chăn nuôi trâu. Nhờ tính kiên trì, chịu khó và thường xuyên tham quan các hộ chăn nuôi giỏi trong và ngoài huyện, đến nay, tiền bán nghé từ 3 con trâu nái cho thu nhập 20 - 30 triệu đồng, tiền từ thu hoạch cá 10 – 15 triệu đồng. Số tiền lãi nhờ nuôi trâu, cá ông Phúc tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm gà, vịt về nuôi. Trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Phúc tiết kiệm được 50 triệu đồng. Không chỉ gia đình anh ông Phúc, rất nhiều hộ trong bản cũng phát triển kinh tế gia đình ổn định, bền vững như gia đình các ông: Chẻo Văn Đín, Cà Văn Phúc...
“Để người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo như ngày hôm nay, Chi bộ thường xuyên tổ chức họp, rút kinh nghiệm từng mô hình kinh tế để nhân rộng ra cả bản. Đồng thời, chúng tôi phân công mỗi đảng viên phụ trách một nhóm hộ, giúp đỡ sản xuất, chăn nuôi. Làm được điều này, gia đình đảng viên đó phải là tấm gương để quần chúng nhìn vào đó học tập và làm theo” – đồng chí Lò Văn Thương - Bí thư Chi bộ tâm sự.
5 năm liền, Chi bộ Phiêng Quang đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, gia đình các đảng viên trong Chi bộ luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào để Nhân dân học tập. Chính vì thế, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm nhanh và bền vững qua từng năm, đến hết năm 2015, bàn không còn hộ thuộc diện nghèo. Kinh tế phát triển, bà con có điều kiện quan tâm đến đời sống văn hóa - xã hội. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục được duy trì phát triển. Các trò chơi dân gian được tổ chức thường xuyên mỗi khi tết đến, xuân về. Các thói hư tật xấu đã được đẩy lùi khỏi đời sống người dân trong bản, Phiêng Quang không còn người nghiện ma túy. Các tập tục cổ hủ lạc hậu như: cưới xin, ma chay diễn ra nhiều ngày đã không còn, thay vào đó là nếp sống văn hóa mới.
Chia tay Phiêng Quang trong không khí tràn đầy sức xuân, trẻ em được bố mẹ diện quần áo mới tung tăng nô đùa trên những con đường bêtông sạch đẹp. Bên bếp lửa hồng, những món ăn truyền thống của bà con nơi đây đã được chuẩn bị chu đáo để chào đón năm mới càng minh chứng rõ hơn sự no ấm đủ đầy.
Tin đọc nhiều
Sìn Hồ tăng diện tích rừng

Bản Giang mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản

Cho dòng điện thêm xa, thêm mạnh
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”









