Thứ ba, 08/10/2024, 16:51 [GMT+7]
“Giữ hồn” văn hóa dân tộc Dao

Bài 2: Giữ bản sắc văn hóa gắn với du lịch cộng đồng

Thứ ba, 25/07/2023 - 10:27'
(BLC) - Hiện nay, khi trình độ dân trí được nâng lên, sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường ngày càng lan rộng vào các bản làng của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lai Châu đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế cũng như nền văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có người Dao đầu bằng. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các sở, ngành, UBND huyện Tam Đường đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, mô hình du lịch homestay kết hợp với trải nghiệm văn hóa người Dao cũng là một cách làm hiệu quả để quảng bá, đưa nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách gần xa.

“Giữ hồn” văn hóa dân tộc Dao

20

21

Chúng tôi về bản Rừng Ổi - Khèo Thầu tìm gặp ông Phàn Vần Chang – người được dân bản ví như là “kho tàng sống” của đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù đã hẹn từ trước nhưng phải đợi rất lâu mới có dịp trò chuyện với ông. Bởi, lúc nào nhà ông cũng có người ra vào, người thì tìm đến ông nhờ xem ngày lành tháng tốt làm nhà, đặt tên cho con, người nhờ ông chỉ bảo các khâu chuẩn bị cho lễ cúng rừng, tết cơm mới… dù bận trăm công nghìn việc nhưng bà con nhờ ông đều sẵn lòng giúp đỡ.

22

Trong căn nhà khang trang, ông dành một góc riêng để cất giữ các cuốn sách được viết bằng chữ nôm Dao mà theo ông đây là di sản quý giá, cội nguồn dân tộc. Cầm trên tay những cuốn sách đã bạc màu theo thời gian ông kể cho chúng tôi nghe về giá trị của chữ nôm Dao. Chữ nôm Dao ra đời từ cách đây hàng nghìn năm, được xây dựng từ các ký tự Hán dùng để phiên âm và ghi lại tiếng nói của dân tộc. Người Dao trước kia dùng chữ nôm Dao trong học tập, ghi chép các bài hát dân ca, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, di chúc, văn tự...

Vì vậy, với mong muốn hiểu được giá trị văn hóa của dân tộc Dao, ngay từ khi còn nhỏ ông đã theo các thầy cúng trong bản học chữ nôm Dao. Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, ngoài những ngày theo mẹ lên nương khi có thời gian rảnh ông lại miệt mài học chữ nôm Dao. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, sau nhiều năm theo học đến năm 17 tuổi ông đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý trong các cuốn sách cổ và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca truyền thống, các phong tục tập quán của dân tộc Dao. Đến năm 25 tuổi ông trở thành thầy cúng, được bà con tin tưởng giao trọng trách làm chủ các ngày lễ, hội của bản.

Bước sang tuổi 65, điều khiến ông luôn trăn trở, suy nghĩ và mong mỏi là mỗi người con dân tộc Dao đều phải biết nói tiếng Dao, biết đọc, biết viết chữ Dao, để hiểu được nguồn gốc của dân tộc mình. Nhưng hiện nay đa số các bạn trẻ, nhất là các bạn học sinh lại không học tiếng dân tộc mình nên chữ nôm Dao đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Hiểu được thực tế đó, gần chục năm nay ông vẫn cần mẫn, nỗ lực trong hành trình “hồi sinh” chữ nôm Dao, đưa bộ chữ truyền thống của dân tộc truyền lại cho thế hệ trẻ bằng cách mở lớp truyền dạy chữ nôm Dao.

24

Thời gian đầu cũng không mấy ai mặn mà học chữ nôm Dao nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc, trước hết ông vận động con cháu tham gia học, “tiếng lành đồn xa” đến nay ngôi nhà của ông lúc nào cũng vang vọng tiếng đọc bài, học chữ. Đến nay, ông đã mở được 3 lớp dạy chữ nôm Dao với hơn 100 học viên, chủ yếu từ 10- 40 tuổi. Trong quá trình dạy, các học viên không chỉ được học chữ viết mà còn được ông truyền dạy cả văn hóa truyền thống của dân tộc, đạo lý làm người, các bài cúng, bài hát và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như: lễ cấp sắc, lễ cúng ngày tết, ngày rằm…

Dù tuổi đã cao nhưng khi có thời gian rảnh rỗi ông Phàn Vần Chang lại ngồi sao chép lại những cuốn sách Dao cổ để dạy cho con cháu. Với ông, đó cũng là niềm vui được cống hiến sức mình để gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Dao đầu bằng. 

25

Người Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như: trồng lúa, ngô, lạc và làm các ngành nghề thủ công truyền thống: nghề rèn, đan ghế mây, làm mũ lông đuôi ngựa… Trải qua thời gian, các nghề thủ công vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, thu hút nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu.

Với bản tính cần cù chịu khó, kỹ thuật khéo nên các sản phẩm từ nghề đan lát của người Dao đầu bằng phong phú nhiều loại và khá đẹp. Từ khi còn ở tuổi niên thiếu họ đã được tiếp xúc với kỹ thuật nghề đan lát qua những người lớn. Nguyên liệu dùng trong nghề đan lát của người Dao đầu bằng chủ yếu là mây, tre, nứa… Với từng loại nguyên liệu họ thường lựa thời gian sao cho cây nguyên liệu đó ở vào thời điểm tốt nhất tránh mối mọt. Các sản phẩm đan lát chủ yếu: ghế mây, mẹt, giỏ, giá, giỏ… là những loại dụng cụ, công cụ rất thiết yếu dùng hàng ngày trong đời sống.

Từ lâu, chiếc ghế mây đã trở nên thân quen với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Dao đầu bằng. Để tìm hiểu về kỹ thuật làm ghế mây, chúng tôi tới bản Tả Chải (xã Hồ Thầu), bản có 100% đồng bào dân tộc Dao. Ngày trước, đa số bà con làm ghế mây để phục vụ chủ yếu cho gia đình nhưng chục năm trở lại đây nghề làm ghế mây phát triển mạnh được nhiều khách hàng đặt tìm mua với giá trung bình từ 120.000 – 150.000 đồng/chiếc nên 60% số hộ trong bản gắn bó với nghề làm ghế mây vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa vừa kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

26

Theo chia sẻ của bà con nơi đây, những chiếc ghế mây không chỉ có giá trị sử dụng lâu bền mà ẩn trong đó là nét đẹp văn hóa, thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân. Để làm ra chiếc ghế mây ưng ý, đẹp có độ bền đòi hỏi người làm phải lựa chọn cây mây già (từ 2 năm trở lên). Mỗi công đoạn làm khung ghế, chân ghế và mặt ghế đều phải tỉ mỉ, cẩn thận, đúng kỹ thuật.

Tâm sự với chúng tôi, anh Tẩn A Lụ ở bản Tả Chải, xã Hồ Thầu cho biết: “Nghề làm ghế mây gắn bó với gia đình từ lâu đời nên từ khi còn bé được bố mẹ truyền dạy cách làm ghế mây. Ngày trước, làm ghế mây chủ yếu phục vụ cho gia đình, giờ đây bà con trong bản còn làm thêm đem xuống chợ bán. Thời gian làm nhiều ghế mây nhất vào tháng 11, 12 (âm lịch) lúc đó vào dịp tết nên rất đông khách hàng mua. Từ nghề làm ghế mây, gia đình tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống”.

Trước kia trong các bản của người Dao đầu bằng thường có nhiều lò rèn vừa rèn công cụ sản xuất mới vừa để sửa chữa những công cụ đã bị hư hỏng. Để làm được các công cụ sản xuất thì nguyên liệu chủ yếu là sắt, thép; than củi do bà con tự làm từ việc đốt cây gỗ rồi đổ nước lã, sau đó đậy lá lấp đất ủ trong nhiều ngày. Ngoài việc tự rèn đúc để phục vụ cho gia đình nhưng nếu trong các bản ai có nhu cầu cần thì vẫn làm để bán. Khi khoa học kỹ thuật phát triển nghề rèn cũng mai một theo thời gian tuy nhiên đến bản Sì Thâu Chải, Rừng Ổi - Khèo Thầu vẫn còn 1-2 hộ gắn bó với nghề rèn, khi có thời gian nông nhàn lò rèn lại rực lửa, người thợ rèn cần mẫn rèn dao, cuốc… truyền nghề cho con cháu để nghề rèn tồn tại theo thời gian.

27

Bên cạnh đó, nghề làm mũ lông đuôi ngựa cũng được bà con dân tộc Dao ở xã Hồ Thầu gìn giữ phát triển. Đây là một nghề khó làm không phải ai cũng làm được mà đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Vừa qua, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Tam Đường tổ chức lớp truyền dạy nghề làm mũ lông đuôi ngựa dân tộc Dao cho bà con trong xã, đây là tín hiệu vui nhằm gìn giữ, phát triển và quảng bá nét đẹp văn hóa đến du khách. Lớp học được tổ chức tại xã Hồ Thầu với 2 nghệ nhân trực tiếp truyền dạy cho 20 học viên trong thời gian 20 buổi. Với các nội dung truyền dạy về kỹ thuật, cách thức, quy trình làm mũ lông đuôi ngựa của dân tộc Dao bằng hình thức “Cầm tay chỉ việc”. Các học viên đã nắm bắt và thực hành thuần thục kỹ thuật làm mũ lông đuôi ngựa để có thể tự làm cho mình được sản phẩm bán ra thị trường.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao đầu bằng, thời gian qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, huyện Tam Đường phối hợp với các địa phương, nghệ nhân thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, mở các lớp dạy nghề truyền thống, tái hiện nhiều lễ hội truyền thống, thành lập các đội văn nghệ. Đặc biệt, xã Hồ Thầu còn tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao năm 2023 tại Liên trường Mầm non, Tiểu học, THCS Hồ Thầu; tổ chức các hội thi, hội diễn, tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao do huyện tổ chức. Qua đó, tạo điều kiện để các nghệ nhân, cộng đồng được thực hành, trình diễn, giao lưu, quảng bá giới thiệu về văn hóa, con người dân tộc Dao tới đông đảo công chúng.

28

Với những nét văn hóa còn lưu giữ được, nhiều bản làng người Dao đang là điểm đến tham quan du lịch cộng đồng lý tưởng. Điển hình như: bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) trung bình mỗi năm bản đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhờ phát triển du lịch, đời sống của bà con ngày càng khấm khá, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

29

Bản Sì Thâu Chải có độ cao 1.500m, đến với bản du khách được chiêm ngưỡng cảnh sắc núi non hùng vĩ, vẻ đẹp nguyên sơ, không khí trong lành mát mẻ. Dọc 2 bên đường vào bản là hàng rào đá cổ kính, được bà con xếp ngay ngắn, những ngôi nhà gỗ khang trang xen lẫn với những ngôi nhà trình tường độc đáo, mang lại nét riêng cho bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải. Bản có 63 hộ, 100% đồng bào dân tộc Dao đầu bằng sinh sống. Người Dao đầu bằng nơi đây vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo như: Lễ hội Tủ cải, Nhảy lửa; may trang phục truyền thống, nghề rèn, bài thuốc dân gian…

Phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, từ năm 2016 Sì Thâu Chải bắt tay vào xây dựng bản du lịch cộng đồng, thời gian đầu cấp ủy, chính quyền gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con làm du lịch. Nhưng với biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, các già làng, trưởng bản, đảng viên gương mẫu đi đầu. Nhờ vậy, tạo được sự đồng thuận của bà con, hiểu được lợi ích từ làm du lịch bà con cùng nhau tu sửa nhà cửa, làm hàng rào đá, trồng địa lan, hoa hồng, các loại cây ăn quả ôn đới như: táo mèo, lê, đào… tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp.

30

Nhiều gia đình còn tiên phong làm homestay để đón khách du lịch. Điển hình như gia đình anh Phàn A Đánh. Năm 2017, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để tu sửa lại nhà ở làm các phòng nghỉ, nhà bếp, nhà vệ sinh để đón khách ngủ lại. Với mỗi người lưu trú, gia đình anh thu 100.000 đồng/người/đêm, trung bình hai ngày cuối tuần homestay của gia đình đón từ 15 – 20 khách, chủ yếu du khách đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái… Để thu hút khách, anh Đánh chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc, các món ăn được chế biến mang hương vị đặc trưng của đồng bào Dao. Nắm bắt được thị hiếu của du khách mong muốn được trải nghiệm tắm lá thuốc của đồng bào Dao, anh đầu tư xây 5 phòng tắm lá thuốc, trung bình một thùng nước tắm thường có từ 15 - 20 loại nguyên liệu lá rừng. Nhờ làm du lịch, gia đình có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

31

32

Khai thác thế mạnh đặc trưng của địa hình, từ năm 2019, tỉnh Lai Châu tổ chức Giải dù lượn đường trường Pu Ta Leng mở rộng tại Sì Thâu Chải thu hút rất nhiều phi công trong nước và quốc tế tham gia. Đây là cơ hội để quảng bá văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao tới du khách trong và ngoài nước. Với mục tiêu, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, hiện nay tỉnh Lai Châu đã và đang chú trọng đào tạo người dân Sì Thâu Chải về kinh doanh homestay, nấu ăn, hướng dẫn viên. Đây cũng là tiền đề để bà con có công việc ổn định, tăng thêm thu nhập vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trải qua thăng trầm của thời gian, đồng bào Dao đầu bằng ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường vẫn giữ được “hồn” văn hóa dân tộc Dao. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống rất cần sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức của mỗi người dân nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển.

Bài, ảnh: Hương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...