

Theo thống kê, phường Quyết Tiến có trên 1.100 con chó, mèo. Ngay từ đầu năm phường tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không thả rông gia súc, nhất là chó, mèo trên các tuyến đường, khu dân cư; yêu cầu các hộ chăn nuôi tiêm vắc - xin phòng dại đầy đủ. Tuy nhiên, tình trạng thả rông chó, mèo vẫn diễn ra phổ biến. Để hạn chế tình trạng này, phường đã thành lập Đội Quản lý gia súc thả rông trên địa bàn, phối hợp với Đội Quản lý Trật tự đô thị thành phố thường xuyên ra quân, tuyên truyền người dân thực hiện nuôi nhốt, quản lý vật nuôi, đồng thời bắt và xử lý vật nuôi thả rông theo quy định. UBND phường cũng đã ra thông báo tới các tổ dân phố về việc nghiêm cấm chăn thả gia súc, động vật nuôi ngoài đường phố, các khu dân cư trên địa bàn phường. Thông báo nêu rõ, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không được thả chó ra đường, buộc gia súc, động vật nuôi nơi công cộng, khu dân cư, trụ sở các cơ quan đóng trên địa bàn phường. Khi tiến hành chăn thả, vận chuyển gia súc, động vật nuôi phải có dây xỏ mũi hoặc dây buộc cổ và phải có dụng cụ chứa chất thải kèm theo. Trường hợp để gia súc phóng uế bừa bãi trên các tuyến đường giao thông nơi công cộng, khu dân cư, trụ sở các cơ quan thì chủ gia súc có trách nhiệm dọn dẹp sạch sẽ. Với chủ sở hữu gia súc, động vật nuôi, nhất là chó hiện đang thả rông tại các tổ dân phố trên địa bàn phường phải thực hiện việc nuôi nhốt. Mọi hành vi vi phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định.
Đội Quản lý gia súc thả rông phường Quyết Tiến ra quân bắt, xử lý vật nuôi thả rông.
Anh Hàng A Vàng - Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Tiến cho hay: Chúng tôi thường xuyên ra quân bắt, xử lý vật nuôi thả rông theo quy định nên tình trạng chăn thả gia súc trên địa bàn phường cơ bản không còn. Tuy nhiên tình trạng thả rông chó, mèo vẫn còn xảy ra. Đội Quản lý gia súc thả rông của phường thường xuyên đi kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhưng để tình trạng thả rông vật nuôi giảm và chấm dứt thì mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm hơn trong việc chăn nuôi gia súc và vật nuôi tại mỗi gia đình.
Hay như phường Đoàn Kết hiện có hơn 600 con chó, mèo. Tình trạng thả rông chó vẫn còn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn phường. Điều này gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về an toàn giao thông cho người dân, nhất là khu vực có mật độ dân số tập trung cao như: đường Trần Hưng Đạo, đường Vừ A Dính, chợ trung tâm. Những ngày qua, phường đã tăng cường ra quân bắt, xử phạt các chủ hộ có chó thả rông, kết hợp với tuyên truyền Nhân dân quản lý vật nuôi theo đúng quy định. Đến nay, ý thức của người dân có nhiều chuyển biến, nhiều hộ đã thực hiện rọ mõm và nuôi nhốt chó theo quy định.
Hiện, các xã, phường của thành phố đều thành lập Đội Quản lý gia súc thả rông và thường xuyên phối hợp Đội Quản lý Trật tự đô thị thành phố ra quân bắt, xử phạt các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền tới người dân về quy chế quản lý trật tự đô thị; tổ chức phương tiện, tăng cường ra quân bắt và xử lý, hạn chế tối đa tình trạng vật nuôi không quản lý trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã tổ chức bắt, xử lý hơn 100 con chó, mèo thả rông.
Ông Nguyễn Văn Diệp - Phó Đội trưởng Đội Quản lý Trật tự đô thị thành phố Lai Châu cho biết: Thành phố thành lập tổ kiểm tra, bắt giữ và xử lý gia súc thả rông trên địa bàn thành phố. Tổ thực hiện kiểm tra, bắt giữ và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý vi phạm đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các địa phương ra quân xử lý rồi tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân về việc quản lý vật nuôi. Không thả rông vật nuôi gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình trạng vật nuôi, nhất là chó, mèo vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Theo thống kê, đàn chó, mèo trên địa bàn thành phố hiện có trên 5.520 con. Dịch dại trên địa bàn 3 phường: Quyết Tiến, Đoàn Kết, Tân Phong đã được khống chế. Thời tiết chuẩn bị vào hè, tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh chó dại. Do đó, cơ quan chuyên môn cũng như người dân cần tổ chức các biện pháp phòng ngừa, nhất là tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo.
Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chuyên môn thì người dân cũng cần nêu cao ý thức tự giác thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, đô thị văn minh; trong đó có việc nuôi nhốt chó, mèo theo các quy định đã ban hành.

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội

Tăng cường kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần linh hoạt thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng
Lớp học “đặc biệt” ở một nơi “đặc biệt”
Lời tự thú sau “song sắt” của “bóng hồng” lạc lối

Rà soát, di dời, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ sạt lở

Bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả
Đảm bảo dòng chảy tối thiểu của các công trình thủy điện








