

Nằm khuất mình sau những dãy núi cao bên hai bờ sông Đà hùng vĩ, xã Nậm Chà được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh đẹp tự nhiên. Đến thăm xã bất kể thời gian nào trong năm, không khó để chúng ta thấy được không gian sống hài hòa, trang phục truyền thống của các dân tộc: Cống, Dao, Mông... được bà con mặc hàng ngày. Tại các bản, thành viên đội văn nghệ quần chúng tập luyện lời ca, điệu múa truyền thống, sân thể thao thu hút đông bà con ở mọi lứa tuổi tham gia chơi các môn thể thao vào buổi chiều hàng ngày.
Chị Lò Thị Tán - công chức văn hóa xã hội xã Nậm Chà cho biết: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền Nhân dân giữ gìn nét văn hóa dân tộc mình thông qua trang phục, lời ca, điệu múa, các trò chơi dân gian và nghề truyền thống. Khuyến khích Nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, thể thao, vui chơi trên địa bàn. Hiện, 7/7 bản của xã thành lập và duy trì tốt đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên luyện tập, biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ bà con tại các sự kiện của địa phương; phục dựng và duy trì lễ hội Mìn Loóng Phạt (lễ hội kết thúc mùa vụ của đồng bào Cống bản Táng Ngá). Nhân dân đóng góp 100 nghìn đồng/hộ cùng xã xây dựng sân thể thao rộng hơn 4.000m2 tại trung tâm xã, với trên 1.200 người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên”. Qua bình xét, năm 2019 xã có 430/582 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 5/7 bản đạt danh hiệu bản văn hóa.
Đội văn nghệ quần chúng bản Táng Ngá (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) biểu diễn múa mừng lúa mới trong lễ hội Mìn Loóng Phạt.
Cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Nậm Nhùn sinh sống ở 73 bản thuộc 11 xã, thị trấn. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng, sống xen kẽ, gắn bó mật thiết với nhau, chung sống bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở địa phương.
Phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp các dân tộc, UBND huyện Nậm Nhùn quan tâm, chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các đơn vị, cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc. Coi trọng sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa tiêu biểu. Gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật, bảo vật, cổ vật và di vật có giá trị đặc sắc; tổ chức các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, có tính giáo dục tư tưởng thẩm mỹ cao phục vụ Nhân dân, đẩy lùi các hoạt động tiêu cực trong hoạt động văn hóa. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho ngành văn hóa, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số.
Quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, đến nay, mỗi năm trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có nhiều lễ hội dân gian được tổ chức, điển hình như: Lễ hội Mìn Loóng Phạt của đồng bào Cống; mừng lúa mới của người Khơ Mú… Cùng với rất nhiều phong tục, tập quán khác: nghi lễ cưới, tang ma, làm nhà mới, cầu mùa, cúng rừng thiêng, cấp sắc… Các nghi lễ, lễ hội đều gắn với các hoạt động nghệ thuật dân gian rất công phu và kết hợp hài hòa với các giai điệu âm thanh độc đáo như: khèn Mông, kèn lá, tính tẩu của người Thái, dân ca dân tộc Dao; hát múa mừng lúa mới của người Cống... Các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao, ngày hội các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm tổ chức, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, tạo không khí vui tươi phấn khởi.
Các xã, thị trấn quan tâm giúp đỡ các khu dân cư thành lập các đội văn nghệ, thể thao quần chúng với 15 - 20 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống phục vụ Nhân dân. Chị Lò Thị Nguyện, người dân tộc Thái ở bản Chang (xã Lê Lợi) chia sẻ: “Để bảo tồn các giá trị văn hóa trong đời sống, tôi thường quan tâm chỉ dạy con cháu trong gia đình những phong tục đẹp của dân tộc mình. Mặc những bộ áo váy truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là cùng các chị em trong bản tham gia đội văn nghệ quần chúng, tích cực luyện tập, để biểu diễn phục vụ bà con”.
Đời sống tinh thần được quan tâm, nâng cao giúp người dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn phấn khởi lao động sản xuất, nâng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 28,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,1 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,66%. Cùng với đó, việc quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp ngành Du lịch của huyện phát triển, thu hút hơn 7.000 lượt du khách đến tham quan, khám phá, mang về cho địa phương nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số

Hội thi hái chè, sao chè tại xã Phúc Khoa

Biển Cửa Lò – Quyến rũ mùa du lịch

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Điểm đến hấp dẫn của xứ Thanh






