

Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến bản Hon 1, xã Bản Hon. Khi được biết chúng tôi muốn tìm hiểu về kiến trúc nhà sàn của người Lự, anh Lò Văn Hiềng – Cán bộ văn hóa xã đã dẫn chúng tôi đi trên con đường nông thôn mới sạch sẽ, uốn lượn quanh co, leo bậc thang vào những ngôi nhà sàn kiên cố, vừa để tìm hiểu, vừa để cảm nhận sự yên bình của bản văn hóa.
Qua quan sát, chúng tôi thấy kiến trúc nhà của người Lự là nhà sàn, căn nhà sàn của họ cũng giống như nhà sàn của người dân tộc Thái, song nhà có hai mái, mái phía sau ngắn hơn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà chủ yếu mở theo hướng Bắc. Gầm sàn sạch sẽ, hầu hết các gia đình dùng làm nơi để trữ củi khô, khung cửi và một số đồ dùng khác.
Một ngôi nhà sàn người Lự ở bản Hon 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường.
Cầu thang lên nhà thì chỉ có 1 chứ không có 2 như nhà sàn của người Thái hướng từ phía sau nhà đi lên, theo bà con thì để cầu thang như vậy là để tránh những điều không may mắn cho gia đình. Đặc biệt là số bậc cầu thang nhà luôn là số lẻ, ví dụ 7, 9 bậc chứ không cầu thang nhà nào có số bậc thang chẵn.
Bên trong nhà sàn của người Lự thường dành 1 gian giữa để thờ cúng và con dâu trong gia đình không được vào gian này. Nhà bếp thì nối trực tiếp với căn nhà chính, do vậy khi bước chân vào nhà thì thấy ngay nhà ở và nhà bếp là một thể liên hoàn chứ không tách rời nhau.
Anh Hiềng cũng cho biết, để làm một ngôi nhà sàn thì người Lự phải chuẩn bị vật liệu từ 2-3 năm. Trong thời gian này những người đàn ông trong nhà thường lấy gỗ trên rừng hoặc đi mua về rồi tự đục, bào từng phần theo dự định cho đến khi đủ thì mới tiến hành. Vì vậy, nghề mộc cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Lự, là một trong những tiêu chí để đánh giá khả năng của người đàn ông trong gia đình và cộng đồng có tháo vát hay không. Đàn ông người Lự ai cũng biết làm nhà, căn nhà sàn là một trong những sản phẩm mộc quan trọng nhất, thanh niên từ 16 tuổi trở lên đều phải cầm rìu, cầm đục, bào để làm nghề mộc. Tuy nhiên trong việc dựng nhà thì phải luôn dựa vào sự liên kết của cả cộng đồng.
Dưới những ngôi nhà sàn thoáng mát bà con người Lự se tơ, dệt vải
Còn về việc tại sao không ở xa xa nhau để còn tranh thủ đất làm ruộng vườn quanh nhà thì anh Hiềng chia sẻ, là người Lự, anh cũng chỉ biết rằng từ xa xưa người già trong bản vẫn dạy bảo con cháu của mình rằng, người Lự có truyền thống coi trọng tình làng nghĩa xóm. Ở bản anh mỗi khi có gia đình có việc hiếu hỷ thì cả bản đều đến thăm hỏi, giúp đỡ, chia sẻ. Do vậy có thể hiểu rằng, việc xây dựng các ngôi nhà trong bản thường rất gần nhau trong một không gian vừa phải là để vừa tiện cho việc sinh hoạt, vừa tiện cho việc liên lạc, giúp đỡ nhau những khi cần thiết.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, hiện nay ở trong cộng đồng người Lự, do việc khai thác gỗ không còn thuận lợi như xưa nữa, việc dựng một ngôi nhà sàn theo kiến trúc nhà truyền thống là rất khó khăn, tốn kém. Vậy nên nhiều gia đình chuyển sang làm nhà đất giống nhà cấp bốn của người dân tộc Kinh bởi vì loại nhà này vừa tốn ít gỗ mà giá thành làm nhà lại rẻ. Do vậy, việc tuyên truyền đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững để người dân tộc Lự có điều kiện gìn giữ những nếp nhà truyền thống là việc quan trọng, để bên cạnh những thế mạnh khác của du lịch cộng đồng thì ấn tượng về những ngôi nhà sàn độc đáo của người Lự trở thành một trong những điểm hút du khách bốn phương đến với Lai Châu.

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng










