

Những con đường cấp phối rải nhựa, đường bê-tông phẳng lỳ, rộng rãi, thoáng đãng đưa chúng tôi về thăm các bản dân tộc Mông (chiếm 96,57%), Thái ở xã Hố Mít để khám phá, cảm nhận sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của bà con. Đến đầu bản, chúng tôi thấy những hàng cây xanh vươn cao, tỏa bóng mát. Đây đó, những nhánh hoa ven đường, trong sân, vườn, khoe sắc trong nắng vàng rực rỡ. Không gian sinh hoạt của người dân được bố trí ngăn nắp, gọn gàng; nhà, sân vườn được vệ sinh sạch sẽ. Bà con đã làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm.
Đơn vị chức năng, chính quyền địa phương vận động người dân bản Suối Lĩnh A (xã Hố Mít) xây dựng nếp sống mới.
Để thay đổi nếp sống, sinh hoạt, 8/8 bản trong xã xây dựng quy ước phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc. Các quy ước được xây dựng dựa trên bảo tồn những giá trị truyền thống và loại bỏ những hủ tục. Mỗi gia đình, dòng họ lại có quy ước riêng và mọi người cùng thi đua, nỗ lực thực hiện. Các chi hội, đoàn thể như: phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên… gắn thực hiện các nội dung xây dựng tổ chức Hội với xây dựng đời sống văn hóa. Điển hình như Chi hội Phụ nữ với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”; Đoàn thanh niên với phong trào ngày chủ nhật xanh, thứ 7 tình nguyện…
Chị Giàng Thị Mang - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: “Là một trong những yếu tố then chốt trong giữ lửa gia đình và xây dựng nếp sống mới, chúng tôi vận động chị em thực hiện các nội dung của cuộc vận động “5 không, 3 sạch” gắn với quy ước của bản. Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, mời cả chồng, người thân trong gia đình cùng dự và trao đổi ý kiến, từ đó, tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện của cả gia đình”.
Trong xây dựng nếp sống văn hóa mới của xã Hố Mít không thể không nhắc tới Kế hoạch số 584/KH - CAH, ngày 5/9/2015 của Công an huyện Tân Uyên về mở cuộc vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Hố Mít, đặc biệt là việc xóa bỏ các hủ tục trong việc tổ chức lễ cưới, đám tang. Xuất phát từ phong tục tập quán của người dân trên địa bàn xã trong việc cưới, việc tang tổ chức kéo dài, phức tạp, tốn kém, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống. Xác định thay đổi suy nghĩ của những thầy mo ở các bản người dân tộc Mông sẽ dần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của Nhân dân trong việc hiếu hỷ và thực hiện nếp sống mới, đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm; Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn 10 thầy khèn, đại diện cho các dòng họ trong bản tham quan, học tập các cách tổ chức tang lễ theo nếp sống mới của người dân tộc Mông ở huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai). Ông Thào A Trầu (bản Thào) một trong những người được đi học tập tham quan, chia sẻ: “Khi sang huyện Văn Bàn học tập những nét mới trong việc tổ chức tang lễ, chúng tôi được trao đổi, trò chuyện về cách thay đổi trong một số tập tục của người Mông nơi đây. Không chỉ tôi mà các thành viên trong Đoàn đều nghĩ, cùng là người dân tộc Mông, cùng có văn hóa, phong tục tập quán lạc hậu như nhau (việc cưới, việc tang kéo dài nhiều ngày, tốn kém), vậy mà họ thay đổi được, tại sao bản mình vẫn giữ những cái xưa cũ gây tốn kém, lãng phí lại mất mỹ quan. Vì thế việc thay đổi là cần thiết, chúng tôi đã học nghi lễ cúng, tổ chức đám cưới cho phù hợp với phong tục gắn với xây dựng nếp sống mới”.
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân được địa phương, lực lượng công an cùng những người đã đi tham quan học tập triển khai tới 100% hộ dân tộc Mông sinh sống tại 7 bản của xã. Chỉ rõ những những hủ tục trong việc cưới, việc tang kéo dài gây lãng phí, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Việc áp dụng những gì đã được học, tuyên truyền vào đời sống người dân được thực hiện linh hoạt, khéo léo. Khi nhận được tin báo từ gia đình về việc Vàng Thị Tùng ở bản Tà Hử xấu số đã mất khi mới ở tuổi 15. Thay vì thực hiện các nghi lễ cũ như: để lâu ngày (5 - 7 ngày), bón cơm cho người chết, không đưa người chết vào áo quan… Công an huyện phối hợp với chính quyền xã mời các thầy khèn đã đi học tập tại Văn Bàn đến để tổ chức tang lễ theo nếp sống mới nhưng vẫn đảm bảo đúng phong tục truyền thống. Tất cả các thủ tục diễn ra trong 1 ngày đêm và duy trì thực hiện tổ chức tang lễ cho người đã khuất cho đến hiện nay. Hiện, xã có 8/8 bản đã xây dựng quy ước; 75% số bản đạt bản văn hóa; 3/3 trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Thượng tá Nguyễn Đức Trường - Phó trưởng Công an huyện cho biết: Để xây dựng được các quy định sát với thực tế, phù hợp với nguyện vọng, phong tục tập quán của người dân, công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương tham khảo, lấy ý kiến những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Khi triển khai thực hiện, đối với công tác tuyên truyền, phân chia đối tượng hộ gia đình, hội viên các chi hội đoàn thể, học sinh… để kế hoạch đạt kết quả cao.
Tuy nhiên do lịch sử lâu đời, một số phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức nên việc tảo hôn, tin có bùa yểm, ma xó... vẫn còn ở một bộ phận nhỏ người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống mới ở xã Hố Mít nói riêng, các xã khác trong huyện Tân Uyên nói chung vần cần sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể. qua đó, góp phần thúc đẩy thực hiện toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tin đọc nhiều

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè

Gần 600 học viên được tập huấn, hướng dẫn triển khai ký kết xóa bỏ hủ tục

Hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc

Mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc

Doanh thu từ du lịch đạt 54,5 tỷ đồng trong 5 ngày nghỉ lễ

Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025









