

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày trước người Giáy có nhiều hình thức kết hôn, có thể là do bố mẹ tìm và lấy vợ cho con trai mình, đôi trai gái tự do yêu đương tìm hiểu hoặc có thể bị ép gả mà phải lấy nhau. Nhưng ngày nay, chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, các bạn trẻ tự do yêu, tìm hiểu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Đồng bào dân tộc Giáy ở xã San Thàng, thường chọn thời điểm cưới vào tháng 9 cho đến tháng 12 âm lịch.
Để tiến tới hôn nhân, đôi bạn trẻ phải thực hiện trang trọng các nghi lễ truyền thống. Đầu tiên, thực hiện lễ dạm ngõ, khi chàng trai đã đem lòng yêu thương cô gái và muốn cưới làm vợ, sẽ về nói chuyện với bố mẹ để nhờ bà mối sang thưa chuyện với nhà gái, xin hỏi cưới cô gái về làm dâu. Theo phong tục, nhà gái không bao giờ đồng ý ngay mà họ khéo từ chối để hẹn nhà trai lần khác trở lại trả lời. Sau đó, nhà trai sẽ sang lần thứ hai, ở lần này nhà gái sẽ có câu trả lời là có hay không gả con gái, nếu không đồng ý thì nhà trai trở về; còn nếu đồng ý thì họ bàn chuyện cưới xin. Sau lễ dạm ngõ sẽ tiến hành lễ so tuổi cho cô gái và chàng trai. Nhà trai nhờ thầy mo xem tuổi cho cô dâu, chú rể có hợp tuổi nhau không, tìm ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới.
Trong Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội năm 2020, đám cưới của đồng bào dân tộc Giáy được tái hiện thu hút nhiều khán giả xem, tìm hiều.
Sau khi so tuổi hợp nhà trai sẽ tổ chức lễ ăn hỏi. Ở lễ ăn hỏi này 2 gia đình bàn bạc thống nhất lại về đồ cưới để xin con dâu, bàn bạc ngày cưới. Nhà trai nhờ 2 ông mối dẫn đoàn ăn hỏi của nhà trai sang nhà gái. Lễ vật mang theo một đôi gà, một lít rượu. Mọi công việc do 2 ông mối điều hành. Trên đường đi ăn hỏi không phải kiêng kị điều gì. Tới nơi, 2 ông mối bàn bạc với nhà gái về đồ thách cưới và ngày cưới, các công việc chuẩn bị. Nhà trai về nhờ thầy mo xem lại ngày cưới lần nữa, thông báo lại với nhà gái.
Thông thường lễ cưới diễn ra trong vòng 4 ngày. Lễ cưới được tổ chức ở nhà trai và nhà gái, tới hôm cưới đoàn nhà trai đi đón dâu và làm nghi thức cưới ở nhà gái một ngày. Đoàn đưa dâu do 2 ông mối và bà mối dẫn đầu thay mặt gia đình để đón cô dâu về. Cùng đi với đoàn có các phù dâu, rể, những người mang vác đồ thách cưới, các phụ bếp sang làm cỗ cưới bên nhà gái. Lễ vật thách cưới tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, nhưng thông thường các lễ vật không thể thiếu: 2 đôi gà và vịt; 120 chiếc bánh rán, 100 lít rượu, 2 tạ thịt lợn... Đoàn đón dâu đến nhà gái cử hành các nghi thức đón dâu và xin dâu, cô dâu trong trang phục truyền thống, đội chiếc khăn trùm màu đỏ với hy vọng luôn gặp may mắn, vợ chồng chung sống hạnh phúc.
Lúc trao dâu họ có những bài hát đón dâu và trao dâu. Trước đây, nhà có điều kiện tổ chức đám cưới phải mời Đội kèn Pí Kẻo về thổi mừng cho cô dâu, chú rể và cho gia đình, bản làng đó. Người Giáy quan niệm cả một cuộc đời con người, sự kiện chính là hôn lễ, ngày vui có trống kèn tấu nhạc càng vui, bầu không khí hạnh phúc, náo nhiệt, cả cộng đồng đều mừng vui cho đôi vợ chồng trẻ. Đội kèn Pí Kẻo thường thổi những bài như: “Đám cưới đón dâu”, “Kèn đón dâu vào nhà” và các giai điệu về tình yêu đôi lứa, sự sắt son của vợ chồng dành cho nhau. Khi đưa dâu, nhà gái cử 7 người đưa dâu đi cùng cô dâu về nhà trai. Về tới cửa tất cả đoàn phải dừng lại ở ngoài sân để thầy mo làm phép, cúng khấn. Khi đến giờ lành cô dâu mới được vào nhà, vào nhà cô dâu, chú rể phải lạy bàn thờ ông bà tổ tiên và bố mẹ chồng. Sau đó, nhà trai làm các nghi thức lễ cưới theo phong tục và tổ chức ăn uống mừng đám cưới.
Sau lễ cưới, cô đâu chú rể cùng 3 người khác mang theo lễ vật gồm: 1 đôi gà, vịt, 1 gánh xôi hoặc 1 gánh bánh rán trở về lại mặt nhà gái. Trở về nhà gái, người đại diện của nhà trai nêu lý do lại mặt và mời mọi người ăn uống. Sau lễ lại mặt cô dâu chủ rể chính thức trở thành vợ chồng trước sự chứng kiến, thừa nhận của 2 gia đình và dòng họ.
Là người có nhiều hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc, Đội trưởng Đội kèn Pí Kẻo, ông Vùi Văn Múng ở bản San Thàng (xã San Thàng) cho biết: “Đối với đồng bào dân tộc Giáy, phong tục cưới hỏi rất quan trọng vì họ quan niệm chuẩn bị tốt, chu đáo các nghi lễ, thủ tục thì đám cưới diễn ra mới suôn sẻ, vui vẻ, cô dâu, chú rể mới thật sự hạnh phúc. Đây không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.
Ngày nay, do cuộc sống phát triển, một số nghi lễ trong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc Giáy được giảm bớt nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, trong Tuần văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội năm 2020, đã tái hiện lễ cưới của dân tộc Giáy nhằm giới thiệu, quảng bá, gìn giữ nét đẹp trong nghi lễ đón dâu.
Tin đọc nhiều

Gần 600 học viên được tập huấn, hướng dẫn triển khai ký kết xóa bỏ hủ tục

Hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc

Mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc

Doanh thu từ du lịch đạt 54,5 tỷ đồng trong 5 ngày nghỉ lễ

Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)










