

Tháng 5, trời cao xanh ngát, con đường nhựa phẳng phiu nối từ TP Vinh về Kim Liên luôn tấp nập các đoàn người hành hương về thăm quê lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thấp thoáng sau mái nhà tranh, hàng rào râm bụt và hồ sen nở hoa ngào ngạt ở Làng Sen là tà áo dài của các hướng dẫn viên, người kể lại những câu chuyện về cuộc sống giản dị, thanh bần của Hồ Chủ tịch cùng gia đình.
![]() |
Công việc của những thuyết minh viên là làm sống lại tuổi thơ của Hồ Chủ tịch và người thân ở Kim Liên, Nam Đàn. Ảnh: Nguyên Khoa |
Chị Trần Thị Thao kể, sinh ra tại Làng Sen, từ nhỏ chị đã được dân làng kể lại những câu chuyện thời thơ ấu của Hồ Chủ tịch nên luôn mơ ước được trực tiếp kể lại cho du khách. 18 tuổi, vượt qua 120 thí sinh ở những vòng tuyển chọn khắt khe, chị Thao trở thành hướng dẫn viên trong khu di tích Kim Liên.
Đến nay với 20 năm công tác, chị Thao cùng chị Hoàng Thị Bích Đảm có thâm niên phục vụ lâu nhất trong số 22 thuyết minh viên của khu di tích. Nhiệm vụ của họ là hướng dẫn, thuyết minh từng chi tiết nhỏ trong khu di tích Kim Liên với các địa điểm như khu mộ bà Hoàng Thị Loan - Hà Thị Hy, quê nội, quê ngoại Hồ Chủ tịch và một số di tích phụ cận.
“Mỗi vật dụng đơn sơ trong căn nhà của Bác ở quê nội, quê ngoại đều gắn với những câu chuyện cảm động về cuộc sống của gia đình. Vì vậy người thuyết minh phải làm sao cho du khách và bạn bè năm châu hòa mình cùng di tích, sống và cảm nhận những ngày xưa cũ khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung còn ở Làng Sen, Làng Chùa. Từ đó, du khách mới hiểu được cuộc sống thanh bần, giản dị của Hồ Chủ tịch và những người thân ở quê nhà”, chị Đảm tâm sự.
Do đặc thù nghề nghiệp, hướng dẫn viên ở đây hầu hết là người địa phương, được tuyển chọn gắt gao, có tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là am tường về cuộc đời của Hồ Chủ tịch cũng như người thân trong gia đình. Công việc đặc biệt này luôn đòi hỏi họ không được phép để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất.
![]() |
Du khách trong và ngoài nước đều cảm phục trước cuộc sống giản dị, đơn sơ của Hồ Chủ tịch thuở thiếu thời. Ảnh: Nguyên Khoa |
Mỗi năm có hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế đến thăm Làng Sen với nhiều suy nghĩ, quan điểm chính trị. Nhưng khi được nghe hướng dẫn viên thuyết trình một cách tận tình, chân thật về những vật dụng trong hai ngôi nhà tranh, những câu chuyện gắn với di tích sống ở Kim Liên, các vị khách đều trầm trồ khâm phục về cuộc sống giản dị, khiêm nhường của Hồ Chủ tịch.
Những nữ thuyết minh viên ở đây còn nhớ câu chuyện của một du khách đến từ Mỹ. Trong suốt hành trình thăm nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đều im lặng, chăm chú theo dõi. Nhưng đến khi nghe câu chuyện chiếc khung cửi của bà Hoàng Thị Loan và chiếc võng mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung từng nằm, người này đã không giấu được cảm xúc, cầm chặt tay cô hướng dẫn viên nói hai từ "cảm ơn".
Kết thúc hành trình, ông này nói với cô hướng dẫn viên trẻ rằng: "Đất nước các bạn làm được điều phi thường vì có những người phi thường như Hồ Chí Minh". Sau này, những người làm công tác thuyết minh mới biết, ông là cựu binh Mỹ, từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam.
![]() |
Những người làm công tác thuyết minh luôn tự hào đang thay mặt Hồ Chủ tịch và gia đình tiếp khách ở Kim Liên. Ảnh: Nguyên Khoa |
Nói về kỷ niệm nghề nghiệp, những thuyết minh trẻ như Kim Chi, Thanh Thủy, Thanh Quý nhớ mãi hình ảnh cụ già chống gậy vừa lắng tai nghe vừa mân mê từng đoạn phên tre nứa, hay em nhỏ ngồi xe lăn trong đoàn khách nhiễm chất độc gia cam dù cơ thể co quắp, nhưng nước mắt vẫn chảy khi nghe kể về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Còn chị Đảm và chị Thao lại nhớ hình ảnh cách đây gần 10 năm. Vào ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch, sau khi tiếp một đoàn khoảng 20 khách, chị thấy người đàn ông trung niên nán lại mãi, rồi khóc nức nở trước bàn thờ của gia đình Hồ Chủ tịch. Ông tâm sự: “Ngày còn chiến tranh, trong lúc hành quân vào Nam, con trai tôi từng ghé qua thăm quê Bác. Vào chiến trường, nó viết thư về kể với bố mẹ niềm vinh dự khi được đứng trên ngôi nhà của Bác Hồ. Nó mơ ước hòa bình lập lại, từ miền Nam trở về lại được ghé quê Bác một lần nữa. Nhưng rồi nó hy sinh, hôm nay tôi mới có dịp về quê Bác để thực hiện ước mơ của con mình”.
Bên cạnh vô vàn câu chuyện xúc động về các đoàn khách hành hương đến nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người làm công tác thuyết minh ở đây còn rất cảm kích trước tấm lòng của du khách muôn phương. Đã có hàng trăm bài thơ, hàng nghìn bức thư được du khách gửi đến Ban quản lý khu di tích, ca ngợi những cô thuyết minh thầm lặng.
Nhiều người còn nhớ như in vần thơ viết vội của một du khách đến từ miền Nam khi kết thúc chuyến tham quan: Từ chuyện thật qua những lời rất thật/Em đưa anh vào thế giới của thiêng liêng/Ôi kỳ diệu tuyệt vời thay giọng nói/ Quê hương mình hay hay mẹ đã cho em/Dư âm ấy phả làn hơi xứ nghệ/Hay điệu dân ca kết tụ của trăm miền...".
Ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc khu di tích Kim Liên cho biết, bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn, trùng tu tôn tạo thì nhiệm vụ quan trọng là làm cho khu di tích sống lại trong lòng tất cả du khách khi đến với quê hương Hồ Chủ tịch. Trong 56 năm qua, các thế hệ hướng dẫn viên ở khu di tích Kim Liên luôn làm tốt nhiệm vụ được giao và luôn tự hào khi được thay mặt những người thân trong gia đình lãnh tụ tiếp khách, để khách đến chưa ai cảm thấy buồn lòng.
Tin đọc nhiều
Quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu

An cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Người dân có thể tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công và Ứng dụng ngân hàng

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH năm 2026
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình liệt sỹ trước 27/7, gia đình người có công trước 2/9

Huyện Than Uyên: Dông, lốc làm sập 7 ngôi nhà

Khánh thành và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa







