

Theo kết quả thực hiện Chương trình 135/CP giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,2 triệu đồng lên 18,2 triệu đồng/năm. Chương trình 135/CP đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi tỉnh Lai Châu.
Những bản làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu dần đổi mới một phần nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135/CP.
Với 2 hợp phần chính là hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, Chương trình 135/CP đã hỗ trợ cho trên 34.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và nhóm hộ được thụ hưởng với tổng số 195 con trâu, 12 con bò; 1.821 con lợn, 399 con dê; gần 165.500 con gà, vịt; xấp xỉ 2.000 máy móc sản xuất; hỗ trợ làm 559 chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 2 mô hình sản xuất;… Trong quá trình thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh còn lồng ghép để thực hiện các mục tiêu quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn, giúp cho đồng bào giải quyết bớt phần khó khăn về giống và kỹ thuật, vật tư sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư toàn diện, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh. Từ năm 2012 đến năm 2016, Chương trình 135/CP đã thực hiện đầu tư 288 công trình điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà văn hóa… đã giúp giải quyết phần nào những khó khăn của người dân về cơ sở hạ tầng, đồng thời giúp tăng cường giao thương buôn bán và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh.
Nói về quá trình triển khai Chương trình 135/CP trong thời gian qua, bà Lò Thị Vương - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, Chương trình 135/CP được triển khai theo hướng đầu tư trực tiếp và trao quyền nhiều hơn cho người dân. UBND cấp huyện quyết định đầu tư tất cả các dự án thuộc Chương trình 135; 100% các xã được phân cấp làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất và nguồn vốn duy tu bảo dưỡng; người dân là người trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách, do vậy họ được trao quyền nhiều hơn trong việc trực tiếp tham gia hoặc cử đại diện cho mình tham gia vào các hoạt động của chương trình. Người dân được thông báo về chủ trương, kế hoạch đầu tư của chương trình, được hỏi ý kiến, bàn bạc, thảo luận, được tham gia, ra quyết định, được giám sát, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và đặc biệt khẳng định quyền làm chủ thực sự của người dân.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, việc triển khai Chương trình 135/CP đã đạt được nhiều kết quả tích cực; song quá trình thực hiện đã gặp phải không ít những hạn chế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của Chương trình.
Theo chia sẻ của đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, so với cả nước, Lai Châu vẫn là một tỉnh nghèo. Toàn tỉnh hiện có 6/8 huyện, thành phố nằm trong tốp những huyện nghèo nhất cả nước và có 75 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 617 thôn, bản ĐBKK. Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tại thời điểm 1/1/2016, tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 36.094 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 40,4%; số hộ cận nghèo là 8.982 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,05%. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 90% như: Bum Tở 94,8%, Pa Vệ Sủ 94%, Pa Ủ 94%... Con số này cho thấy tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, tập trung chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu, vùng xa, do đó đối tượng thụ hưởng cao, nhu cầu vốn lớn; trình độ dân trí không đồng đều ảnh hưởng tới việc tuyên truyền chính sách đến với người dân, sự tham gia của người dân vào quá trình thực hiện Chương trình,… Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Chương trình 135/CP trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo ở đồng bào DTTS để được hưởng đầu tư nhiều hơn. Công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình 135/CP sau đầu tư cũng còn bất cập, trách nhiệm của người sử dụng đối với các công trình chưa cao, trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Điều đáng lưu ý là trong giai đoạn 2012 - 2016, Chương trình 135/CP được xác định là một dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV), song cơ chế thực hiện giữa các dự án thuộc Chương trình MTQGGNBV còn có điểm khác biệt, đầu mối quản lý lại khác nhau nên trong nhiều thời điểm, việc phối hợp giữa các cơ quan đầu mối gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc chỉ đạo thực hiện Chương trình.
Chương trình 135 cũng đã đầu tư hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình DTTS ở Lai Châu mua máy cày mini phát triển sản xuất.
Bà Lò Thị Vương - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm: Để giải quyết những khó khăn, hạn chế nói trên, tỉnh đã đặt ra nhiều giải pháp thiết thực. Đặc biệt đối với thực trạng trông chờ, ỷ lại ở đồng bào DTTS, tỉnh thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo; đồng thời tuyên truyền cho người dân thấy được vai trò của sự nỗ lực phấn đấu tự lực vươn lên sẽ là nhân tố quyết định thành công cho công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững. Tỉnh cũng có chính sách cụ thể cho việc nhân rộng mô hình, điển hình làm tốt để cùng thi đua, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Tỉnh cũng đã có ý kiến đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét tiến tới dần bỏ hẳn chính sách cho không, cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng dần các chính sách hỗ trợ hoặc đầu tư gián tiếp, kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Lai Châu mong muốn Trung ương giao vốn đủ theo quy định, không phân bổ đồng đều giữa các xã mà dựa vào các tiêu chí về diện tích tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người DTTS, khoảng cách địa lý, kết quả giải ngân hàng năm. Đồng thời, thống nhất cơ chế quản lý giữa các dự án thuộc Chương trình MTQGGNBV, cho phép lồng ghép nguồn lực thực hiện các chính sách có cùng nội dung; phân bổ nguồn riêng và chi tiết cho từng Chương trình 135 và 30a để tỉnh dễ triển khai thực hiện… Trong giai đoạn 2012 - 2016, Chương trình 135/CP xác định là một dự án thành phần trong Chương trình MTQGGNBV, song cơ chế thực hiện giữa các dự án thuộc Chương trình MTQGGNBV còn có điểm khác biệt, đầu mối quản lý lại khác nhau nên trong nhiều thời điểm, việc phối hợp giữa các cơ quan đầu mối gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc chỉ đạo thực hiện Chương trình.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









