

Trong trồng trọt, do ảnh hưởng của các tiểu vùng khí hậu khác nhau, sản phẩm nông nghiệp của Sìn Hồ cũng mang tính đặc trưng theo từng vùng. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu cho các đặc sản đặc hữu. Vùng thấp và các xã dọc sông Nậm Na khí hậu nắng nóng của vùng nhiệt đới, đất đai trù phú, thuận lợi phát triển cây cao su, lúa ngô, cây ăn quả. Vùng cao khí hậu ôn đới, mát lạnh phù hợp phát triển hoa quả ôn đới, cây dược liệu, chè. Cùng với đó, phát huy lợi thế của từng địa phương, chăn nuôi trên địa bàn cũng được chú trọng và phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng hàng hóa, huyện tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, quan tâm của Trung ương để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Từ năm 2016 tới nay, huyện Sìn Hồ đã được đầu tư 176.544 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ mục tiêu quốc gia trong sản xuất nông nghiệp, ngân sách tỉnh thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất hàng hóa tập trung.
Người dân bản Ma Sao Phìn (xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) thu hoạch Actiso.
Chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tới thời điểm hiện tại, toàn huyện có 156 công trình thủy lợi, 269km kênh mương, đáp ứng tưới tiêu 73% diện tích sản xuất gieo trồng hàng năm. Ngoài ra, huyện đã đầu tư 258km đường trục nội đồng sản xuất, trong đó, 20% được đầu tư cứng hóa và 38,9km đường giao thông nông thôn cấp C. Những năm gần đây, huyện đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào khâu sản xuất, một phần phát triển hạ tầng sản xuất chè, lúa, ngô, mắc-ca, cây ăn quả, nuôi cá lồng... Bên cạnh đó, còn có nguồn hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu hỗ trợ giống, phân bón.
Với sự sát sao trong công tác lãnh chỉ đạo, trên địa bàn huyện Sìn Hồ từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Sản phẩm nông nghiệp thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số sản phẩm cây trồng vật nuôi được quan tâm đầu tư phát triển thành vùng, quy mô lớn: vùng chè trên 400ha tại các xã: Sà Dề Phìn, Hồng Thu, Phìn Hồ và một số xã vùng cao của huyện; vùng cây cao su trên 8.000ha tại các xã vùng thấp và dọc sông Nậm Na; dược liệu 550ha chủ yếu ở các xã vùng cao của huyện.
Để sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, các hộ sản xuất ở các vùng sản xuất liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp và một số cơ sở thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Toàn bộ diện tích chè kinh doanh được liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trao đổi với bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Lai Châu, chúng tôi được biết, từ đầu năm tới nay, công ty thu mua hơn 100 tấn chè nguyên liệu với mức giá dao động 12-12,5 nghìn đồng/kg. Vì chè trồng trên địa bàn Sìn Hồ cho chất lượng tốt nên công ty thường nhập giá đắt hơn 4-5 nghìn đồng/kg so với giá thị trường. Công ty tiếp tục duy trì các điểm thu mua ngay tại các vùng nguyên liệu để giảm chi phí công vận chuyển cho các hộ trồng chè, bảo quản chè nguyên liệu được tốt hơn.
Không chỉ có chè nguyên liệu tìm được đầu ra cho sản phẩm, những năm gần đây, dược liệu Sìn Hồ đã được đánh thức tiềm năng. Các địa phương: Làng Mô, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, thị trấn trở thành vùng trọng điểm trồng dược liệu của huyện. Mở rộng diện tích trồng Actiso, đương quy, sâm cát cánh… nhiều hộ đã nâng cao thu nhập. Chị Mùa Thị Dua (bản Ma Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ) chia sẻ: “Nhờ trồng dược liệu, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Đồng hành cùng sự phát triển của dược liệu trên vùng cao nguyên lạnh, Hợp tác xã Nông sản và Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ đã chủ động bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng dược liệu. Được bao tiêu sản phẩm, đời sống các hộ trồng dược liệu đã thoát khỏi cảnh bấp bênh như những năm trước đây. Dược liệu qua sơ chế sẽ được sấy khô để bán cho các công ty dược hoặc nấu thành cao, đóng gói phục vụ thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với chè, dược liệu, cây cao su của Sìn Hồ vẫn khẳng định được vị trí trên thị trường. Nhờ đó, thu nhập công nhân, người lao động của các vùng cao su trọng điểm của huyện ngày càng nâng cao.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Sìn Hồ cũng đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi. Cùng với các giải pháp nhằm duy trì tốt đàn gia súc hiện có, phấn đấu tỷ lệ tăng trưởng đàn đạt trên 4% mỗi năm. Bám sát định hướng, thời gian gần đây, các hộ tập trung nuôi các giống vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như các mô hình nuôi dê, lợn thương phẩm tại Pa Tần; cá lồng tại Nậm Mạ, đại gia súc rải rác tại các địa phương trong toàn huyện.
Những kết đáng ghi nhận trong lộ trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của Sìn Hồ đã tạo những bước chuyển dịch tích cực đối với nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, các hộ sản xuất trên địa bàn xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47,15% (năm 2016) xuống còn 23,52% (năm 2020); thu nhập bình quân năm 2015 đạt 13,6 triệu đồng/người/năm đến năm 2020 đã nâng lên lên 31 triệu đồng/người/năm. Phát huy thế mạnh địa phương, Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án “Tập trung phá triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Sìn Hồ giai đoạn 2021-2025”. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu là cách làm hay, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn sẽ sớm khẳng định hiệu quả.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









