

Tận dụng diện tích lòng hồ Thủy điện Bản Chát, anh Lò Văn Xuân ở Bản Chát (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) đầu tư nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản, bước đầu cho thu nhập khá ổn định. Anh Xuân cho biết: Nuôi cá đòi hỏi chi phí lớn nhưng đầu ra thuận lợi, tôi quyết định mở rộng quy mô nuôi để có thu nhập cao hơn. Qua tìm hiểu được biết, theo Nghị quyết số 07, mỗi lồng nuôi cá sẽ được Nhà nước hỗ trợ 1 lần với 50% chi phí, đối với hộ gia đình được hỗ trợ không quá 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có nội dung hỗ trợ cước vận chuyển dưới 1 tấn cá. Điều này giúp gia đình tôi cũng như các hộ nuôi cá trong huyện hiện thực hóa dự định mở rộng sản xuất nhưng thiếu nguồn vốn. Hiện, 15 lồng cá đăng ký làm mới, tôi thả giống cá lăng và đang tích cực chăm sóc; cơ quan chuyên môn của huyện và xã cũng đã nghiệm thu, chuẩn bị giải ngân.
Tính đến hết tháng 9/2023, huyện Than Uyên có 76 hộ gia đình, 7 hợp tác xã nuôi cá trên lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát với tổng số 979 lồng cá. Từ đầu năm đến nay, đã có 155 lồng đăng ký làm mới, hoàn thiện và xuống cá giống tập trung tại xã: Mường Kim, Ta Gia, Mường Cang, đang được cơ quan chuyên môn huyện phối hợp với UBND các xã nghiệm thu làm cơ sở hỗ trợ theo Nghị quyết số 07. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới làm vùng nguyên liệu cho một số sản phẩm OCOP của Than Uyên như: cá lăng, cá trắm sấy; phục vụ cá thương phẩm cho thị trường trong và ngoài huyện.
Tận dụng lợi thế có lòng hồ thủy điện cùng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đầu tư nuôi cá lồng.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07, thành phố Lai Châu hỗ trợ làm chuồng trại tập trung, quy mô 1.905m2; trồng 2ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc; làm hầm biogas quy mô 220m3; hỗ trợ phát triển 200 thùng nuôi ong... Qua đó, xuất hiện mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc tập trung quy mô lớn và vừa; nhân đàn ong ở nhiều vùng khác nhau để tạo sản phẩm mật ong đặc trưng. Hiện, trên địa bàn có 12 cơ sở chăn nuôi tập trung, ứng dụng phương pháp nuôi công nghiệp và bán công nghiệp gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; trong đó có 8 cơ sở nuôi bò, lợn, dê, thỏ và 4 cơ sở nuôi ong. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của hộ bà Nguyễn Thị Hòa ở phường Đông Phong, hộ ông Mai Đình Đồng ở xã San Thàng, hộ ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Sùng Phài...
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Nghị quyết số 07 có 12 nội dung hỗ trợ, trong đó có 3 nội dung về chăn nuôi. So với các lĩnh vực khác của ngành Nông nghiệp thì chăn nuôi chưa thực sự phát triển xứng tầm tiềm năng, lợi thế. Bởi vậy, các huyện, thành phố đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 07. Thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” sau khi các hộ dân, hợp tác xã đăng ký thực hiện đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu, giải ngân vốn; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc ở cơ sở để có phương án tư vấn, đồng hành, giải quyết... Do đó, các nội dung hỗ trợ chăn nuôi cơ bản đảm bảo tiến độ, đúng đối tượng, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, thực hiện.
Cụ thể, đối với nội dung phát triển chăn nuôi tập trung, đến nay, toàn tỉnh có 194 cơ sở chăn nuôi tập trung (170 cơ sở chăn nuôi đại gia súc; 24 cơ sở chăn nuôi lợn). Trong 2 năm (2021, 2022), đã thực hiện được 27.370m2 chuồng trại chăn nuôi tập trung, trong đó hỗ trợ theo Nghị quyết số 07 là 25.462m2; hỗ trợ trồng 111,5ha cỏ và cây thức ăn cho gia súc. Năm 2022, hỗ trợ làm 1.355m3 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi; 376m2 đệm lót sinh học chăn nuôi với tổng kinh phí hỗ trợ trên 17 tỷ đồng. Phát triển nuôi ong tập trung, thực hiện 12.306 thùng ong (đạt 280,4% mục tiêu nghị quyết), trong đó có 4.488 thùng được hỗ trợ, còn lại nhân dân tự phát triển mới. Theo mục tiêu nghị quyết phấn đấu đến năm 2025 phát triển mới 45.000m3 lồng cá, đến nay đã hỗ trợ 33.744m3 (đạt 88,3%); các hộ tại 2 huyện: Nậm Nhùn, Than Uyên cũng tự đầu tư, phát triển mới trên 26.000m3 lồng cá.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng 9 tháng năm 2023, có huyện Mường Tè đã nghiệm thu xong đợt 1 với 1.120m2 chuồng trại và 3,76ha cỏ; huyện Than Uyên đang nghiệm thu và các huyện, thành phố còn lại đang triển khai cho người dân thực hiện các nội dung hỗ trợ. Số lượng dự kiến thực hiện năm 2023 là 17.201m2 chuồng trại, 710m3 biogas, 135ha cỏ, 2.305 thùng ong và 243 lồng cá tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên và Nậm Nhùn.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 07 với những mục tiêu, giải pháp trọng tâm, sát thực tế; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ thuần túy sang sản xuất hàng hóa, kinh tế nông nghiệp. Đến thời điểm này, các chỉ tiêu về phát triển cơ sở chăn nuôi đại gia súc, phát triển mới đàn ong đã vượt kế hoạch đề ra; chỉ tiêu về cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, hỗ trợ phát triển mới cá lồng thực hiện đạt trên 50% chỉ tiêu nghị quyết.
Tin đọc nhiều

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng

Tập trung phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân

Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền









