

Cũng như nhiều hộ dân khác trong bản, trước đây gia đình anh Phinh quanh năm chỉ quẩn quanh với cấy lúa, trồng ngô 1 vụ/năm, đời sống khó khăn. Dần dần thông qua các mô hình điểm đưa các loại cây giống mới vào thử nghiệm: giống lúa chịu hạn, chịu rét, ngô lai, thời gian sinh trưởng ngắn... cuộc sống người dân trong bản cũng ổn định hơn. Nhưng để có kinh tế khá, nâng cao chất lượng cuộc sống thì cấy lúa, trồng ngô là chưa đủ. Khi cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền về chủ trương đưa cây cam vào thâm canh, anh Phinh đã đồng tình hưởng ứng và là một trong những hộ dân đầu tiên của xã được tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng cam tại các vùng chuyên canh ở các tỉnh bạn. Anh Phinh chia sẻ: “Đến thăm vườn cam của các hộ trồng chuyên canh tôi thấy cây cam không chỉ là cây giảm nghèo hiệu quả mà còn là cây làm giàu. Người trồng cam phải có kiến thức về quy trình kỹ thuật, chăm sóc đúng cách và phải dành thời gian, tâm huyết để thấu hiểu cây cam mới có hiệu quả cao. Trồng cam phải đầu tư vốn, công chăm sóc và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất chứ không trồng theo lối canh tác lạc hậu của dân bản là phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên...”.
Anh Phinh kiểm tra vườn cam.
Sau đợt tham quan học tập, về địa phương, anh Phinh được tiếp thu kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc cây cam từ cán bộ các cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh. Quá trình hướng dẫn người dân tham gia trồng cam được cán bộ chuyên môn thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, đến giai đoạn nào chỉ dẫn cụ thể tại vườn, nương trồng cam. Anh Phinh thực hiện nghiêm túc quy trình phát dọn cỏ, đo hàng, đào hố, bón lót phân trước khi trồng. Trong thời gian chăm sóc cây, anh tranh thủ tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn về cây cam của gia đình, từ đó kịp thời điều chỉnh khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh trên cây cam như: thời gian tỉa tạo tán, tỉa cành, loại bỏ lá bị sâu, bệnh để tránh lây lan và loại bỏ ngay cây bị sâu bệnh.
Trong thời gian kiến thiết cây cam, anh Phinh được hỗ trợ giống cây đỗ tương để trồng xen. Ngoài ra, anh còn trồng xen canh cây ớt giống địa phương. Các loại cây trồng xen đã đem đến nguồn nông sản phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, để hạn chế sâu bệnh trên cây cam, cơ quan chuyên môn hỗ trợ giống cây ổi trồng xen canh cây cam. Cây ổi là cây dễ thích nghi với môi trường điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, là loại quả có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho con người. Đối với cây cam, quýt thì cây ổi còn có tác dụng hạn chế bệnh vàng lá, rầy chổng cánh - một trong những loại sâu, bệnh gây hại chính trên cây cam, quýt.
Hàng ngày dù có bận công việc ngày mùa, việc gia đình nhưng anh Phinh vẫn dành thời gian ra nương cam kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển và kịp thời phát hiện sâu bệnh cây cam để xử lý, tránh lây lan. Cùng với đó, anh còn chủ động chia sẻ, trao đổi, vận động các hộ trồng cam cùng đẩy mạnh chăm sóc phòng trừ sâu bệnh.
Hiện nay, cả bản có 14ha cây cam, trong đó gia đình anh Phinh có hơn 3.000m2, với 150 cây. Nhờ chăm sóc, thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật, nương cam của gia đình anh được đánh giá tốt nhất của bản, xã; được lãnh đạo huyện, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương chọn làm điểm để các hộ dân khác đến tham quan, học tập. Năm nay, cam của gia đình anh Phinh rất sai quả, khoảng 70kg/cây. Ông Lò Văn Cheo - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho biết: Anh Phinh là một trong những hộ tiêu biểu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây cam. Anh Phinh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi trong khâu chăm sóc với người dân đến tham quan để cùng xây dựng vùng chuyên canh cam có chất lượng.










