

Với nhiều người, 26 tuổi là độ tuổi chập chững bước vào sự nghiệp nhưng Thào A Nù đã là trụ cột chính của gia đình, là chủ của hơn 1ha thảo quả, hàng nghìn mét vuông lúa, nghệ đen, dong riềng… Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) còn nghèo khó, gia đình lại thuộc diện khó khăn nên từ nhỏ Nù đã chịu thương, chịu khó, giúp đỡ cha mẹ việc đồng áng. Vì bệnh nặng, cha Nù không may qua đời, gánh nặng gia đình lại đè lên đôi vai của em. Cha mất sớm, em thay mẹ đỡ đần mọi công việc trong gia đình. Không quản ngại khó khăn vất vả, ngày đi làm nương, tối về, em lại chịu khó học hỏi thêm kiến thức trồng trọt, chăn nuôi trên sách, báo để phát triển kinh tế.
A Nù chăm sóc vật nuôi.
Với sự sáng tạo, cần cù, chịu khó, Nù quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, năm 2014, em mạnh dạn trồng thảo quả dưới tán rừng. Thời gian đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, em tự tìm mua sách hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời học hỏi thêm kiến thức chăm sóc của các hộ đã trồng thảo quả trong bản. Nhờ chú trọng chăm sóc, cây thảo quả sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Thào A Nù chia sẻ: “Thảo quả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên em quyết định phát triển cây thảo quả với số lượng lớn. Đến nay, gia đình em trồng được 1,2ha cây thảo quả dưới tán rừng. Thảo quả được mùa, đem lại giá trị kinh tế cao giúp gia đình em bớt khó khăn, nâng cao đời sống”.
Không chỉ thành công với mô hình trồng thảo quả, Nù còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây mới cho năng suất cao vào trồng thay thế giống cũ năng suất, chất lượng thấp. Năm 2019, em gieo cấy 4.500m2 lúa thái xuyên 111, thu hoạch được gần 2,5 tấn thóc, năng suất cao gấp 2 lần so với giống địa phương. Nghệ đen là một trong những cây trồng mới được đưa vào trồng đại trà tại bản từ đầu năm 2019 và gia đình Nù là một trong những hộ tiên phong trong trồng loại cây này. Theo Nù, kỹ thuật chăm sóc nghệ đen khá đơn giản, dù mới được đưa vào trồng trên đồng đất của địa phương nhưng cây nghệ đen đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Hiện gia đình em trồng 5.000m2 nghệ đen, cây sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Cùng với phát triển các giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao, Nù còn nuôi trâu sinh sản. Để bảo vệ đàn vật nuôi, em xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, mùa hè thoáng mát; chủ động thu gom, tích trữ rơm từ vụ mùa, dữ trữ thức ăn khô để chăm nuôi gia súc trong những ngày giá rét. Nhờ chăm sóc chu đáo cùng với các biện pháp phòng bệnh kịp thời, đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt.
Thào A Nù nói: “Trước đây, gia đình em chỉ nuôi trâu để lấy sức cày. Qua tìm tòi, học hỏi các mô hình hay, cách chăn nuôi hiệu quả trên báo, truyền hình, thấy hiệu quả từ mô hình nuôi trâu sinh sản, em mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu. Gia đình em duy trì nuôi từ 8 - 10 con trâu sinh sản. Trâu được chăm sóc chu đáo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phòng bệnh kịp thời nên lớn nhanh, khỏe mạnh và sinh sản tốt, tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình”. Từ trồng thảo quả, lúa chất lượng cao, dong riềng, nghệ đen… và chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, trừ chi phí, gia đình Nù thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, Nù còn thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đoàn viên, thanh niên trong bản. Anh Tào A Tườn - Bí thư Đoàn xã Trung Chải cho biết: "Thào A Nù nhiệt tình, gương mẫu trong các phong trào của Đoàn và là tấm gương trong phát triển kinh tế để đoàn viên, thanh niên trong xã học tập, noi theo”.









