

Sinh ra trên vùng đất còn nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo còn bám riết dai dẳng; cũng như bao gia đình khác trong bản, trước đây kinh tế của gia đình chị Lưởng chỉ dựa vào canh tác nương lúa, nương ngô. Dù làm lụng chăm chỉ, nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức trong chăn nuôi, trồng trọt nên năng suất không cao, việc thiếu đói vào những lúc giáp hạt với gia đình chị là đều khó tránh khỏi.
Chị Lưởng chia sẻ: “Thời điểm đó, trăn trở và mong muốn của mình là phải làm gì để gia đình mình đủ cái ăn, có của để. Nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc với chồng nhưng cũng chưa biết sẽ làm gì phù hợp để vươn lên thoát nghèo”.
Chị Lưởng chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình.
Bước ngoặt đến với gia đình chị khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi được tổ chức tại xã. Qua lớp tập huấn bên cạnh các kiến thức trong chăn nuôi được tiếp thu; chị còn được tham quan nhiều mô hình kinh tế thành công từ chăn nuôi trên địa bàn huyện, tỉnh. Như cởi được “nút thắt” bấy lâu nay của chị trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế của gia đình.
Sẵn có lợi thế của địa phương với nhiều bãi chăn thả, dồi dào nguồn thức ăn tự nhiên, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, chị bàn với gia đình lựa chọn phát triển chăn nuôi đại gia súc làm hướng chính để phát triển kinh tế. Bắt tay vào phát triển kinh tế với số vốn ban đầu là 3 con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình khi ấy. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức trong các khâu chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh và tập quán thả rông gia súc nên tỷ lệ tăng đàn rất thấp.
Không khuất phục trước những khó khăn, với sự cần cù chịu khó, chị tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, đăng ký tham gia thêm các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do xã, huyện tổ chức để có thêm kiến thức áp dụng trong chăn nuôi. Có thêm kinh nghiệm trong chăm sóc và bảo vệ vật nuôi, chị vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng để mua thêm con giống, đầu tư xây dựng chuồng trại; chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rông sang bán chăn thả có chuồng trại; chuyển đổi diện tích đất nương canh tác lâu năm của gia đình sang trồng thêm cỏ, tận dụng tích trữ rơm, rạ để tạo thêm nguồn thức ăn vào những ngày giá rét; tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc; nhờ vậy, đàn gia súc của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt.
Chăm chỉ, cần cù, mạnh dạn đầu tư, thay đổi cách làm kinh tế, đến nay, gia đình chị Lưởng đã có 11 con trâu, bò, 10 con dê và hơn 100 con gia cầm các loại. Ngoài phát triển chăn nuôi còn trồng và chăm sóc thêm 2.000m2 nghệ đen, 0,5ha ngô, sắn và hơn 3 sào lúa nước 2 vụ. Hàng năm, từ chăn nuôi và trồng trọt đem lại cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ một hộ khó, gia đình chị đã vươn lên trở thành một hộ khá trong bản, xã.
“Giờ cuộc sống của nhà mình khá hơn trước nhiều rồi, không còn phải lo thiếu đói như trước nữa. Có xe máy, tivi, tủ lạnh và có thể lo cho các con được học hành đầy đủ…” - chị Lưởng phấn khởi chia sẻ về cuộc sống mới của gia đình.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Lưởng còn tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động, phong trào thi đua do địa phương và tổ chức hội phát động; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Nhiều năm liền gia đình chị đạt gia đình văn hoá, chị được Hội LHPN xã biểu dương là gương điển hình về phát triển kinh tế giỏi.
Chị Lù Thị Già - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Chải cho biết: Chị Lưởng là tấm gương về tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm vươn lên trong phát triển kinh tế để cho các hội viên phụ nữ trên địa bàn học tập và làm theo. Sự thành công của chị Lưởng trong phát triển kinh tế gia đình đã khẳng định được vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ mới, xứng đáng để mọi người học tập làm theo.









